Tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8
Cập nhật lúc 10:02, Thứ năm, 17/11/2022 (GMT+7)
Ngày 15.11, tại Hà Nội, Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) tại VN tổ chức sự kiện 'Thế giới 8 tỉ người: Một thế giới với những tiềm năng vô hạn'.
Theo “Báo cáo triển vọng dân số thế giới năm 2022” của Vụ Kinh tế và xã hội của LHQ, ngày 15.11 dân số thế giới đã đạt 8 tỉ người. Dự báo dân số thế giới sẽ đạt mức cao nhất, khoảng 10,4 tỉ người vào những năm 2080 và duy trì ở mức đó cho đến năm 2100. Thế giới mất khoảng 12 năm để tăng từ 7 tỉ người lên 8 tỉ người, xấp xỉ thời gian từ 6 tỉ người lên 7 tỉ người. 1 tỉ người tiếp theo dự kiến sẽ cần khoảng 14,5 năm (năm 2037).
10 quốc gia đã đóng góp hơn một nửa mức tăng trưởng dân số từ 7 tỉ người đến 8 tỉ người. Cho đến nay, Ấn Độ là nước đóng góp lớn nhất, tiếp theo là Trung Quốc và Nigeria. Châu Phi và châu Á sẽ thúc đẩy sự gia tăng dân số cho đến khi đạt con số 9 tỉ người vào năm 2037.
Theo UNFPA, hiện, 2/3 dân số toàn cầu sống ở một quốc gia hoặc khu vực có mức sinh dưới 2,1 con trên một phụ nữ (còn gọi là mức sinh thay thế). Thế giới đang có dân số đông đảo hơn bao giờ hết, một phần do tuổi thọ tăng lên và giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh. Tuổi thọ trung bình toàn cầu đạt 72,8 tuổi (năm 2019), tăng gần 9 năm tuổi kể từ năm 1990.
Tại VN, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Năm 2006, VN đạt mức sinh thay thế, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay. Từ năm 2007, VN bước vào thời kỳ dân số vàng, là khi dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64 tuổi) nhiều gấp 2 lần dân số phụ thuộc (dưới 15 tuổi và trên 65 tuổi). Tuy nhiên, công tác dân số còn nhiều thách thức.
Tuổi thọ trung bình người VN tăng nhanh, đạt 73,7 tuổi (năm 2020), nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ đạt 64 tuổi. Ngoài ra, cơ cấu "dân số vàng" mới chỉ thể hiện ở số lượng người trong độ tuổi lao động. Nguyên nhân là do chất lượng nguồn nhân lực cũng như năng suất lao động của VN còn thấp; chủ yếu là khai thác lao động giá rẻ và lao động giản đơn, chất lượng công việc nằm trong chuỗi giá trị thấp. Hơn một nửa số việc làm chỉ đòi hỏi kỹ năng trung bình; 33,2% là việc làm kỹ năng thấp; chỉ có 11,2% việc làm kỹ năng cao (trung bình các nước phát triển trên thế giới là 20%).
Theo Thanh niên