1. Tương tác thuốc-thuốc: Mối quan tâm lớn trong điều trị ung thư
Tương tác thuốc xảy ra khi tác dụng của một loại thuốc thay đổi do sự hiện diện của một loại thuốc khác, thảo dược, thức ăn hoặc đồ uống. Tương tác thuốc trong ung thư học đặc biệt quan trọng do chỉ số điều trị hẹp và độc tính của một số loại thuốc chống ung thư.
Tương tác thuốc - thuốc là một cân nhắc quan trọng đối với bệnh nhân đang điều trị ung thư vì họ thường phải sử dụng một số loại thuốc như một phần của phác đồ điều trị chống ung thư, cũng như các liệu pháp bổ sung để quản lý các bệnh đi kèm và tác dụng phụ của thuốc.
Ngoài ra, với độ tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư ngày càng tăng, bệnh nhân lớn tuổi có thể có nguy cơ tương tác thuốc cao hơn vì họ có nhiều bệnh đi kèm hơn cần điều trị bằng thuốc bổ sung. Ngoài những thay đổi liên quan đến tuổi và bệnh đi kèm trong việc hấp thu thuốc thường gặp ở những bệnh nhân lớn tuổi, nguy cơ tương tác thuốc tăng lên ở một số nhóm bệnh nhân, bao gồm:
- Bệnh nhân sử dụng thuốc không kê đơn
- Bệnh nhân dùng nhiều loại thuốc
- Loại bệnh ung thư
2. Xác định tương tác thuốc, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân
Xác suất tương tác xảy ra tăng lên theo số lượng thuốc được dùng và trong nhiều trường hợp có thể dự đoán và tránh được các tương tác thuốc gây bất lợi.
Từ 20 đến 30% tất cả các phản ứng có hại đối với thuốc xảy ra do tương tác giữa các loại thuốc. Vì vậy, an toàn cho bệnh nhân là một mục tiêu cơ bản của quá trình điều trị.
Ngoài dược phẩm thì các chất và các yếu tố khác cũng có thể làm thay đổi dược động học và / hoặc dược lực học của thuốc. Thực phẩm, chất bổ sung dinh dưỡng, và thậm chí hành vi như hút thuốc lá cũng có thể gây ra tương tác thuốc.
3. Mức độ phổ biến và tầm quan trọng của tương tác thuốc trong điều trị ung thư
Như đã nói ở trên, số lượng thuốc được kê đơn càng nhiều thì khả năng xảy ra tương tác thuốc càng cao và nguy cơ những tương tác này có thể dẫn đến nhập viện càng lớn.
Ước tính khoảng 60% bệnh nhân điều trị ung thư (bất kể phương thức điều trị) có khả năng xảy ra tương tác thuốc-thuốc tiềm năng. Mối liên hệ đáng kể của các tương tác thuốc tiềm năng được tìm thấy khi sử dụng trên 7 loại thuốc được kê đơn và trên 3 loại thuốc chống ung thư.
4. Các tương tác thuốc cần lưu ý
Tìm hiểu về cách một loại thuốc có thể làm thay đổi sự hấp thu, phân phối, chuyển hóa hoặc thải trừ của một loại thuốc hoặc chất khác trong bối cảnh hóa trị có thể giúp ngăn ngừa các tương tác thuốc hoặc tác dụng phụ.
4.1 Hấp thu thuốc
Khi ngày càng nhiều thuốc chống ung thư được phát triển để cung cấp qua đường uống, người bệnh cũng cần phải chú ý nhiều hơn đến các yếu tố ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc, như loại và số lượng thức ăn tiêu thụ.
Tương tác giữa thức ăn và thuốc có thể có bốn tác động dược động học lên sinh khả dụng của thuốc chống ung thư đường uống: Chậm, giảm, tăng hoặc không ảnh hưởng đến hấp thu.
Thuốc kháng axit có chứa nhôm và magiê để điều trị các bệnh dạ dày có thể làm tăng sinh khả dụng của capecitabine, loại thuốc dùng làm thuốc uống hóa trị, sử dụng trong điều trị ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày và ung thư vú di căn.
Dùng đồng thời ondansetron, một loại thuốc được sử dụng để ngăn ngừa buồn nôn và nôn do hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật với thuốc điều trị ung thư cisplatin và cyclophosphamide có thể làm giảm phơi nhiễm toàn thân với cả cisplatin và cyclophosphamide.
4.2 Phân phối thuốc
Sau khi hấp thu, sự phân bố thuốc đến vị trí đích chủ yếu được xác định bởi lưu lượng máu đến khu vực đó và mức độ liên kết của chất chống ung thư với các thành phần của máu.
Ví dụ, các loại thuốc điều trị ung thư gây độc tế bào, thường liên kết với protein cao. Về mặt lý thuyết có thể tương tác với các loại thuốc liên kết với protein cao khác như thuốc chống đông máu warfarin.
4.3 Chuyển hóa thuốc
Các tác dụng ngoại ý xảy ra khi sử dụng hai chất chống ung thư như một phần của cùng một chế độ điều trị có thể là do tương tác chuyển hóa.
Tương tác thuốc có thể xảy ra giữa các thuốc trị liệu chống ung thư và thuốc chống nôn (phổ biến nhất là thuốc đối kháng serotonin) đã được ghi nhận.
4.4 Thải trừ thuốc
Một số chất có thể cản trở sự bài tiết ở thận và / hoặc mật, có thể làm tăng nồng độ thuốc trong huyết tương và gây độc tính.
Các tương tác dược động học được liệt kê ở trên chỉ là một vài ví dụ về các tương tác có thể có trong điều trị ung thư. Người bệnh ung thư cần lưu ý, trong quá trình sử dụng thuốc nếu có thắc mắc hoặc có biểu hiện bất thường gì cần thông báo ngay với bác sĩ điều trị để có hướng xử trí an toàn và kịp thời.
Theo suckhoedoisong.vn