leftcenterrightdel
 Người trẻ Hàn Quốc ngại kết hôn và sinh con vì áp lực thi cử.

Theo phân tích của Ngân hàng Hàn Quốc, hàng năm, học sinh cuối cấp trung học ở Hàn Quốc tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học toàn quốc với hy vọng giành suất vào các trường hàng đầu như Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Yonsei. Áp lực lớn từ kì thi thúc đẩy nhiều gia đình chuyển đến sống tại Seoul, làm tăng chi phí giáo dục và nhà ở.

Xu hướng trên tạo nên một cuộc chạy đua cho con cái đăng kí vào trường phổ thông tốt, trung tâm dạy thêm tư nhân uy tín để thi vào các trường đại học hàng đầu. Nếu kết hôn, vợ chồng phải tìm mua được bất động sản ở các thành phố lớn vì tương lai của con cái. Nếu sinh con, họ phải đầu tư tiền bạc cho giáo dục tư nhân. Cuộc chạy đua này khiến những người trẻ tuổi ngại lập gia đình và sinh con.

Số lượng học sinh trung học thi tốt nghiệp tại Hàn Quốc vào năm 2018 chiếm 16% trên toàn quốc nhưng số lượng trúng tuyển Đại học Quốc gia Seoul đạt 32%. Năm 2023, trung bình người dân Seoul đã chi 1,04 triệu won cho việc học thêm tư nhân của con cái, so với mức 700 nghìn won ở các thành phố khác. Các gia đình kiếm từ 8 triệu won trở lên chi tiêu gần gấp đôi so với những gia đình có thu nhập dưới 2 triệu won.

Bằng chứng là vào năm 2023, tổng tỉ suất sinh tại Hàn Quốc, nghĩa là số con trung bình mà một người phụ nữ trong cả cuộc đời, chỉ đạt 0,72, thấp nhất trong các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Một số doanh nghiệp đã đề xuất thưởng tiền lên đến hàng chục nghìn won cho nữ nhân viên nếu sinh con nhưng không mấy người “mặn mà”.

Chính phủ đã tăng trợ cấp tài chính để khuyến khích sinh con. Cụ thể, mỗi trẻ sơ sinh có thể nhận trợ cấp lên đến 29,6 triệu won. Hỗ trợ cho cha mẹ tăng lên 12 triệu won trong năm đầu tiên, 6 triệu won trong năm thứ hai. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc chưa có nhiều cải thiện trong khi nhiều trường phổ thông phải đóng cửa vì số lượng trẻ em giảm, tỷ lệ tuyển sinh thấp.

Để giải quyết tình trạng trên, Ngân hàng Hàn Quốc đề xuất các trường đại học áp dụng hạn ngạch khu vực khi tuyển sinh. Nếu chỉ tiêu tuyển sinh cho các địa phương được phân bổ đồng đều sẽ giảm áp lực phải sinh sống tại Seoul, giảm gánh nặng cho các gia đình và tạo sự công bằng trong giáo dục.

Ngân hàng cho biết hệ thống hiện tại không đánh giá đúng tiềm năng của sinh viên đến từ các hoàn cảnh khác nhau, dẫn đến môi trường giáo dục thiếu đa dạng. Tổ chức này cũng cảnh báo sự cạnh tranh quá mức để vào đại học sẽ ảnh hưởng đến phúc lợi của sinh viên.

Ngân hàng Hàn Quốc cảnh báo tình hình tài chính của cha mẹ ảnh hưởng đến cơ hội vào các trường đại học hàng đầu của con cái. Các phụ huynh giàu có đang đổ xô đến những khu vực có nguồn lực giáo dục mạnh, đẩy giá bất động sản ở đó lên cao.

Theo giaoducthoidai