|
|
Nhân viên y tế khám thai cho một phụ nữ tại California, Mỹ. (Ảnh: Getty Images) |
Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tỷ lệ tử vong bà mẹ ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2000 đến 2010.
Mức tăng đột biến đó khiến các chuyên gia y tế lo ngại và chính phủ các bang, liên bang đã phải thành lập những nhóm đặc biệt giúp cải thiện mức độ an toàn khi sinh nở.
Tử vong mẹ là những trường hợp phụ nữ tử vong xảy ra trong hoặc một năm sau khi mang thai.
Trung tâm Thống kê Y tế Quốc gia thuộc CDC cho biết trong năm 2022, năm gần nhất có dữ liệu, 817 phụ nữ đã tử vong trong quá trình mang thai hoặc ngay sau khi sinh do các nguyên nhân “liên quan đến hoặc trầm trọng hơn do việc mang thai.”
Trong năm 2022, tỷ lệ là 22,3 trường hợp tử vong trên 100.000 ca sinh, trong đó phần lớn liên quan tới sức khỏe tinh thần, xuất huyết, bệnh tim, nhiễm trùng và thuyên tắc huyết khối.
Con số này thấp hơn so với năm 2021, khi tỷ lệ là 32,9 trên 100.000, nhưng vẫn tăng rõ rệt so với năm 2003, khi tỷ lệ là 12,1 trên 100.000. Con số này cũng cao hơn nhiều so với tỷ lệ trung bình trên toàn thế giới.
Một nghiên cứu gần đây của Quỹ Commonwealth, một tổ chức tập trung vào khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cho thấy tỷ lệ tử vong bà mẹ tại Mỹ ở mức cao nhất so với các quốc gia phát triển khác.
Để so sánh, Canada có 8,4 ca tử vong bà mẹ trên 100.000 ca sinh vào năm 2022, Nhật Bản có 3,4 và Thụy Sĩ chỉ có 1,2.
|
|
Mỹ có tỷ lệ tử vong mẹ ở mức cao nhất trong số các nước phát triển. (Ảnh: Getty Images) |
CDC cũng nhận thấy sự bất bình đẳng nghiêm trọng ở Mỹ khi tỷ lệ tử vong ở phụ nữ da màu là 49,5 ca trên 100.000 ca sinh, cao hơn gấp đôi ở phụ nữ da trắng trong năm 2022 - và hơn 80% số ca tử vong liên quan đến thai kỳ ở Mỹ là có thể phòng ngừa được.
Theo báo cáo, có khoảng 20.538 trẻ sơ sinh ở Mỹ tử vong vào năm 2022, tăng 3% so với 19.928 ca vào năm 2021. Đây là lần tăng đầu tiên kể từ năm 2001. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh dưới 28 ngày tuổi tăng 3%, trong khi tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh từ 28-364 ngày tuổi tăng 4%.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh do biến chứng trong thai kỳ (như tiền sản giật hoặc sinh non) và nhiễm trùng máu cũng lần lượt tăng 8% và 14%.
Khủng hoảng về tỷ lệ tử vong bà mẹ ở Mỹ
Ngay cả khi dữ liệu của CDC không hoàn toàn chính xác, nhiều học giả đồng ý tỷ lệ bà mẹ tử vong trong và sau khi sinh con ở Mỹ vẫn ở mức quá cao.
Việc so sánh tỷ lệ tử vong bà mẹ giữa các quốc gia có thể rất phức tạp vì một số lý do.
Một số quốc gia có cách tính số lượng bà mẹ tử vong trong thai kỳ khác nhau dẫn đến lo ngại các quốc gia khác có thể báo cáo thấp hơn về tỷ lệ tử vong bà mẹ, khiến nguy cơ này tại Mỹ trông nghiêm trọng hơn khi so sánh.
Tuy nhiên, trên thực tế Mỹ tụt hậu so với các nước khác về các chính sách giúp cải thiện sức khỏe bà mẹ.
|
|
Mỹ là nước duy nhất không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân. (Ảnh: Getty Images) |
Munira Gunja, nhà nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Commonwealth, cho biết trong số các quốc gia giàu có, Mỹ là nước duy nhất không có dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Mỹ cũng là quốc gia duy nhất không có chế độ nghỉ phép có lương dành cho cha mẹ theo quy định của liên bang và không cung cấp dịch vụ thăm khám tại nhà, chăm sóc sau sinh toàn diện khác.
Trong khi đó, tất cả chuyên gia đều đồng ý tỷ lệ tử vong ở bà mẹ da màu cao một cách bất thường tại Mỹ và cho thấy những vấn đề lớn hơn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Mỹ.
Người Mỹ da màu nói chung có tuổi thọ thấp hơn người Mỹ da trắng và trẻ sơ sinh da màu có nguy cơ chết non hoặc chết khi còn nhỏ cao hơn.
Một số người cho rằng việc coi đây là một cuộc “khủng hoảng” không đem lại hiệu quả, khiến những người mang thai và các bậc cha mẹ tương lai sợ hãi.
Nhưng các chuyên gia đều nhất trí rằng nhiều ca tử vong liên quan đến thai kỳ có thể ngăn chặn được khi các bà mẹ nhận được chăm sóc trong thời kỳ mang thai và sau khi sinh, được nghỉ thai sản có hưởng lương./.
Theo vietnamplus