Được biết đến là một trong 15 nước trên thế giới có trong bản đồ dược liệu bởi nguồn tài nguyên động, thực vật đa dạng, Việt Nam có nhiều loại cây thuốc đặc hữu, có giá trị sử dụng và giá trị kinh tế cao cùng nền y học cổ truyền lâu đời.
Theo thống kê, đến nay Việt Nam đã có 5.000 cây thuốc được công bố. Đây là một trong những nguồn tài nguyên dược liệu, thảo dược vô cùng phong phú. So với thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học thực vật cao.
Do đó, việc ứng dụng chăm sóc cho sức khỏe của người tiêu dùng với những sản phẩm từ thảo dược được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu tự nhiên, không phụ gia tổng hợp, không chất bảo quản, với nhiều công dụng khác nhau dành cho sức khỏe đang được nhiều đơn vị trên cả nước đẩy mạng thực hiện.
Mặc dù ngày nay, nền y học hiện đại đang ngày càng phát triển vượt bậc, với việc ứng dụng nhiều thành tựu khoa học - công nghệ trong công tác khám và chữa bệnh, nhưng y học cổ truyền vẫn đóng vai trò quan trọng, nhất là trong công tác phối hợp giữa đông y với tây y để điều trị cho người bệnh.
Các bài thuốc dân gian đã chứng minh được hiệu quả sử dụng qua thời gian dài được lưu truyền qua các thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, các bài thuốc này chưa đảm bảo định lượng chính xác và chưa được thử nghiệm bằng các phương pháp khoa học để chứng minh được tác dụng tổng thể. Việc nghiên cứu các bài thuốc dân gian điều trị bệnh không những giúp bảo tồn tri thức văn hóa bản địa thông qua nghiên cứu bằng các phương pháp khoa học hiện đại mà còn góp phần làm giàu thêm các tri thức đó.
Không những vậy, việc này còn giúp tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả các bài thuốc dân gian, phát triển các vùng dược liệu, chế biến thành những sản phẩm có giá trị cao để phát triển sinh kế cho cộng đồng, từ đó góp phần phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Chính vì vậy, hiện nay ngày càng có nhiều đề tài nghiên cứu đang được triển khai các đề tài nghiên cứu và đưa vào thực tế sẽ góp phần làm giảm giá thành và đa dạng sản phẩm từ dược liệu, mang lại thêm nhiều sự lựa chọn cho người dân.
Đơn cử như nhiều dược phẩm dựa trên việc sử dụng cây chè dây để hỗ trợ chữa bệnh của người Tày ở Cao Bằng, hay sử dụng cây Tật lê hỗ trợ chữa bệnh của người Chăm, bài thuốc tắm bằng thảo dược của người Dao hay các bài thuốc hỗ trợ sức khỏe về gan, thận, tim,... hiện đều được ứng dụng để sản xuất thành các sản phẩm tăng cường sức khỏe người dân.
Cùng với đó, hoạt động của các Hội Đông y tại các tỉnh đã góp phần đưa việc chữa bệnh bằng dược liệu, các bài thuốc dân gian đến gần hơn với nhân dân. Hiện, nhiều của Hội Đông y đang thực hiện việc là lồng ghép giữa hoạt động phòng khám y học cổ truyền với mạng lưới y tế các cấp, đặc biệt là y tế cơ sở trong việc khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Quan tâm đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn gắn với nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng Đông y ở các cơ sở của Hội mà trọng tâm là các phòng chẩn trị y học cổ truyền các cấp.
Ngoài ra, một số Hội còn nhằm tổ chức tốt công tác thừa kế, lưu giữ và phổ biến những bài thuốc hay, cây thuốc quý của các vị lương y có tay nghề cao, có những bài phương thuốc gia truyền và phương pháp chữa bệnh hay, hiệu quả tại các địa phương.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ Đông y cũng được chú trọng phát triển, điều này giúp đa dạng lực lượng cán bộ gồm nhiều lứa tuổi, có trình độ và năng lực chuyên môn kế thừa được các vị lương y, lương dược của tiền bối đi trước, đồng thời phát huy vốn quý nền y học cổ truyền của dân tộc.
Những hoạt động mang tính đồng bộ từ phát triển vùng trồng cây dược liệu, nghiên cứu các bài thuốc dân gian cho đến hoạt động khám chữa bệnh của các Hội đông y đang giúp cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng từ dược liệu ngày càng gần gũi với các tầng lớp nhân dân.
"Nước ta có nhiều bài thuốc nam hay, phát huy chữa bệnh, nhiều lương y dân tộc có những đóng góp cho sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, đó chỉ là các bài thuốc nhỏ lẻ, mang tính gia truyền, các lương y chưa hiểu về cơ chế sinh bệnh của từng bệnh. Do đó, phải làm nghiên cứu khoa học, đánh giá thực sự các bài thuốc về các giá trị thực sự để bảo tồn, phát huy y dược học dân tộc. Bào chế, sản xuất đặc thù cho nam y, chất lượng hơn, tránh thành "thực phẩm chức năng hóa" các bài thuốc Nam y" - TTND.TS.BSCKII Nguyễn Hồng Siêm - Phó Chủ tịch Hội Nam y Việt Nam |
Theo suckhoedoisong.vn