1. Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung

Có nhiều nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung trong đó virus sinh u nhú ở người hay còn gọi là HPV (Human Papilloma Virus) có liên quan mật thiết đến ung thư cổ tử cung. Đa phần người mắc không biểu hiện triệu chứng và virus biến mất sau 1-2 năm. Trên một số người, HPV tồn tại kéo dài gây nên các u nhú và các tổn thương tiền ung thư. Những tổn thương tiền ung thư làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung, âm đạo, hậu môn và họng miệng.

Tuy vậy, không phải ai mắc HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, nhưng hầu như toàn bộ người mắc ung thư cổ tử cung đều được phát hiện có HPV. Ngày nay đã xác định được các type HPV 16, 18, 31, 33, 35, 45, 52, 58 là nguyên nhân gây nên ung thư cổ tử cung, trong đó HPV 16 và 18 có khả năng gây ung thư cao nhất.

Ngoài ra còn một số yếu tố nguy cơ khác gây ung thư cổ tử cung như:

  • Hút thuốc lá (cả hút thuốc chủ động và hít khói thuốc bị động).
  • Quan hệ tình dục sớm, sinh đẻ sớm, quan hệ đường miệng.
  • Điều kiện vệ sinh kém, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

2. Dấu hiệu bệnh ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung được phân thành các loại như sau:

Ung thư biểu mô tế bào gai: Là dạng ung thư bắt đầu từ các tế bào mỏng, phẳng lót phần ngoài của cổ tử cung. Theo thống kê, đây là dạng ung thư cổ tử cung phổ biến nhất, khoảng 80% – 85% tổng số các trường hợp, xuất hiện do virus gây u nhú ở người (HPV).

Ung thư cổ tử cung: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.
 

Ung thư cổ tử cung bắt đầu với những thay đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung.

Ung thư biểu mô tuyến: Là dạng ung thư xảy ra ở các tế bào tuyến dòng phần trên cổ tử cung, chiếm khoảng 10% – 20% tổng số các trường hợp mắc bệnh.

Các dạng ung thư cổ tử cung khác: Ung thư biểu mô tế bào nhỏ, ung thư mô liên kết – tuyến, ung thư biểu mô tuyến – tế bào gai, ung thư lympho, ung thư hắc tố,… thường không có sự liên quan đến virus HPV, xác suất ít gặp hơn nhưng lại không thể phòng ngừa được như ung thư biểu mô tế bào gai.

Các triệu chứng ban đầu của khối u ác tính vùng cổ tử cung không rõ ràng và tiến triển một cách thầm lặng, người bệnh khó nhận biết. Khi các triệu chứng xuất hiện rõ ràng hơn đồng nghĩa với việc các tế bào ung thư đã di căn, lan rộng. Các can thiệp điều trị lúc này vẫn có thể phát huy được hiệu quả, nhưng khá phức tạp và tốn nhiều chi phí. Trong trường hợp xấu nhất, người nữ phải đối mặt với nguy cơ phải cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng, các hạch bạch huyết lân cận, ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ.

Bệnh ở giai đoạn xâm lấn có thể biểu hiện một số triệu chứng:

  • Đau rát vùng chậu hoặc đau khi quan hệ tình dục.
  • Chảy máu âm đạo bất thường, nhất là sau khi quan hệ, giữ các kỳ kinh nguyệt, sau mãn kinh.
  • Dịch tiết âm đạo bất thường, có thể tiết nhiều hơn, có màu xám đục và có mùi hôi.
  • Khó chịu khi đi tiểu, tiểu nhiều lần.
  • Đi tiểu, đi ngoài ra máu: dấu hiệu cảnh báo ung thư đã xâm lấn bàng quang, trực tràng.
  • Kinh nguyệt thất thường, kéo dài.
  • Sút cân, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.

3. Bệnh ung thư cổ tử cung có lây không?

Ung thư cổ tử cung bắt đầu với những thay đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, thường phát triển âm ỉ trong thời gian dài (mất vài năm), thường do nhiễm virus HPV.

Ung thư sinh ra do đột biến DNA (khiếm khuyết gen) làm xuất hiện các gen sinh ung thư hoặc làm vô hiệu hóa gen ức chế khối u (gen kiểm soát sự phát triển tế bào, làm cho tế bào chết đúng lúc). Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung đều do nhiễm các chủng khác nhau của virus gây u nhú ở người – Human Papillomavirus (HPV). Ung thư cổ tử cung không lây nhiễm tuy nhiên HPV có thể lây từ người này sang người khác khi có tiếp xúc da với da, qua hoạt động tình dục bao gồm đường âm đạo, hậu môn và đường miệng.

4. Cách phòng ung thư cổ tử cung

Tiêm vaccine phòng virus HPV được xem là biện pháp phòng ngừa đơn giản mà hữu hiệu nhất, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ở nữ giới. Thêm vào đó, vaccine còn giúp phòng ngừa mụn cóc ở cơ quan sinh dục và các bệnh lý ung thư cơ quan sinh dục khác như âm đạo, dương vật, âm hộ, hậu môn,…

Ngoài ra, các chị em phụ nữ cần xây dựng một lối sống lành mạnh, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus HPV: Không quan hệ tình dục sớm, nhất là ở độ tuổi vị thành niên, bởi cơ quan sinh dục chưa phát triển hoàn thiện. Thực hiện quan hệ tình dục an toàn. Không quan hệ với nhiều bạn tình, đặc biệt là với bạn tình có nhiều bạn tình khác. Nên vệ sinh sạch sẽ vùng kín trong các kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục,… Đến ngay cơ sở chuyên khoa để thăm khám và điều trị khi có những triệu chứng bất thường.

5. Cách điều trị ung thư cổ tử cung

Tùy từng trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp, thông thường các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung phổ biến gồm:

  • Phẫu thuật

Nếu ung thư chỉ ở trên bề mặt cổ tử cung, bác sĩ có thể loại bỏ hoặc tiêu diệt các tế bào ung thư bằng thủ thuật như LEEP hoặc cấy dao lạnh. Nếu tế bào ung thư đã đi qua một lớp gọi là màng đáy (ngăn cách bề mặt cổ tử cung các lớp bên dưới), có thể phải cần phẫu thuật. Nếu bệnh đã xâm lấn vào các lớp sâu hơn của cổ tử cung nhưng chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể, có thể phải phẫu thuật để lấy khối u ra ngoài. Nếu tế bào ung thư lan vào tử cung, bác sĩ sẽ đề nghị cắt bỏ tử cung.

Một số phương pháp phẫu thuật được dùng trong điều trị ung thư cổ tử cung, như: phẫu thuật lạnh, phẫu thuật bằng tia laser, phẫu thuật khoét chóp cổ tử cung, cắt bỏ tử cung.

  • Xạ trị

Xạ trị là dùng các tia năng lượng cao (tia X) để tiêu diệt tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của chúng. Xạ trị gồm xạ trị ngoài (bắn tia phóng xạ từ bên ngoài cơ thể) và xạ trị trong (đưa nguồn phóng xạ vào âm đạo, gần cổ tử cung).

  • Hóa trị

Hóa trị là điều trị bằng thuốc, thường được đưa vào cơ thể bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch. Hóa trị được thực hiện theo từng đợt, kéo dài nhiều tháng.

  • Dùng thuốc nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là dùng những loại thuốc nhắm vào các tế bào ung thư, không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh bình thường.

  • Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là điều trị tăng cường hệ thống miễn dịch của bệnh nhân ung thư. Tùy vào loại ung thư và giai đoạn ung thư, có thể có nhiều hơn một phương pháp điều trị. Ở giai đoạn sớm của ung thư cổ tử cung, phương pháp điều trị phổ biến là phẫu thuật, xạ trị kết hợp hóa trị. 

Ở giai đoạn sau, phương pháp điều trị phổ biến là xạ trị kết hợp với hóa trị. Kế hoạch điều trị ung thư do đó phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, loại ung thư, tuổi, các vấn đề sức khỏe trước đó, tác dụng phụ của phương pháp điều trị ung thư.

Theo suckhoedoisong.vn