Các ung thư xuất phát từ tế bào liên kết của dương vật rất ít gặp. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, tế bào ung thư lan rộng khắp dương vật, các hạch bạch huyết, hạch háng, người bệnh bị gầy sút, tiểu máu… nguy cơ tử vong cao.

1. Nguyên nhân gây ung thư dương vật

Cơ chế chính xác dẫn đến ung thư dương vật vẫn chưa được giải thích rõ nhưng nguyên nhân chính của bệnh ung thư dương vật là viêm hẹp bao quy đầu, tiếp theo là human papillomavirus (HPV).

Tình trạng này gây khó khăn cho quá trình vệ sinh quy đầu, dẫn đến tích tụ các chất dịch và chất cặn màu trắng gây viêm nhiễm. Quá trình viêm nhiễm kéo dài trong nhiều năm sẽ khiến các tế bào niêm mạc bị biến dị nên chuyển thành ung thư. Virus HIV gây suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư dương vật cao gấp 7 - 8 lần so với người bình thường.

Ung thư dương vật: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 1.
 

Nguyên nhân chính của bệnh ung thư dương vật là viêm hẹp bao quy đầu, tiếp theo là human papillomavirus (HPV).

Ngoài ra, một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ gây ung thư dương vật gồm:

  • Nhiễm HIV/AIDS: Virus HIV gây suy giảm hệ miễn dịch của cơ thể. Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc ung thư dương vật cao gấp 7 - 8 lần so với người bình thường.
  • Tình dục không an toàn: Quan hệ tình dục không lành mạnh, không sử dụng các biện pháp an toàn sẽ khiến nam giới mắc phải các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như bệnh sùi mào gà, HIV, bệnh lậu,... Đây là những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư ở dương vật của nam giới.
  • Tuổi tác: Nam giới càng lớn tuổi thì càng có nguy cơ dương vật bị ung thư cao. Đặc biệt là những người bước sang tuổi trung niên và rơi chủ yếu vào nhóm trên 60 tuổi.
  • Tiếp xúc với tia UV hoặc tia bức xạ năng lượng cao: Loại tia này gây rối loạn hoạt động, biến đổi tế bào, dẫn đến thúc đẩy sự hình thành của các tế bào ung thư và khối u.
  • Tiền tổn thương: Người gặp phải các tổn thương ác tính dễ gây tiến triển thành ung thư. Cụ thể như bệnh Bowen, bệnh Buschke-Lowenstein, bệnh bạch sản,...

2. Dấu hiệu ung thư dương vật

Các biểu hiện trên da dương vật là các triệu chứng sớm nhất, cụ thể: Vùng da ở dương vật có sự thay đổi về màu sắc, độ dày. Khối u sùi, nổi cao trên bề mặt da dương vật, chắc, có vảy. Phát ban, sẩn đỏ có thể đứng riêng rẽ hoặc theo khối, có thể đóng vảy, loét. Dương vật tiết ra dịch có mùi hôi. Dương vật sưng tấy, dễ bị kích ứng dẫn đến đau nhức, viêm quy đầu. Có thể nổi cục (hạch) dưới da vùng háng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào những biểu hiện này cũng là do ung thư dương vật, đôi khi chỉ là phản ứng về nhiễm trùng hoặc dị ứng tại bộ phận sinh dục. Chính vì vậy, bệnh nhân cần đi thăm khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

3. Bệnh ung thư dương vật có lây không?

Ung thư dương vật (Penile cancer) là sự tăng sinh của các tế bào bất thường xuất phát từ dương vật, thường là các tế bào da và có khả năng di căn sang các cơ quan khác. Vì vậy, ung thư dương vật hoàn toàn không lây.

Tuy nhiên, HPV (một trong những yếu tố nguy cơ gây ung thư dương vật) có thể lây truyền qua tiếp xúc da kề da (thường phổ biến) khi quan hệ tình dục không an toàn. HPV có thể lây lan qua con đường quan hệ tình dục như âm đạo, bằng miệng và quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

Ung thư dương vật: Nguyên nhân, biểu hiện, cách điều trị và phòng bệnh- Ảnh 2.

Khi có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

4. Cách phòng ung thư dương vật

Để chủ động phòng ngừa ung thư ở dương vật, nam giới nên lưu ý một số điểm sau:

  • Vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ, ở trẻ nhỏ cần theo dõi nhằm phát hiện sớm hẹp bao quy đầu để có hướng can thiệp kịp thời.
  • Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục, không nên quan hệ tình dục đối với các đối tượng có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm HIV, nhiễm HPV.
  • Đối với các trường hợp nhiễm HPV, điều trị triệt để các tổn thương ở dương vật sẽ giảm nguy cơ dẫn đến ung thư.
  • Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần để phát hiện sớm các nguy cơ gây bệnh ung thư ở bộ phận sinh dục nam. Nhất là khi có bệnh hẹp bao quy đầu, mụn cóc sinh dục.
  • Không hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia.Tập thể dục hàng ngày. Ăn uống khoa học. Tránh căng thẳng, tiếp xúc với các hóa chất độc hại.

5. Cách điều trị ung thư dương vật

Để chẩn đoán chính xác thì cần sử dụng nhiều phương pháp như khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng như xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, sinh thiết khối u và các marker ung thư. Trong nhiều trường hợp cần thêm các phương pháp khác: MRI và CT, PET-CT...

Về điều trị, có nhiều phương pháp điều trị, có thể đơn trị liệu hay cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau. Tùy vào tình trạng, giai đoạn bệnh, thể trạng và độ tuổi của bệnh nhân, bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.

Một số phương pháp có thể được chỉ định:

  • Phẫu thuật: Đây là phương pháp được lựa chọn đầu tiên cho những giai đoạn sớm và cho kết quả điều trị tốt.
  • Xạ trị: Chỉ định kết hợp với phẫu thuật trong trường hợp có di căn.
  • Hóa trị: Hóa trị toàn thân ít được sử dụng, được dùng kết hợp phẫu thuật trong các trường hợp có di căn hoặc ung thư tái phát. Nhưng nhược điểm là tác dụng phụ khá nhiều và có nhiều bệnh nhân không dung nạp được tác dụng phụ đó.
  • Liệu pháp miễn dịch (Immunotherapy) là phương pháp mới điều trị ung thư dương vật giai đoạn tiến triển (có di căn), cho kết quả điều trị khá tốt, tác dụng phụ ít hơn so với điều trị bằng hóa chất
  • Điều trị tại chỗ bằng 5-FU và imiquimod hay Laser CO2 hoặc đốt điện.

Để có được phác đồ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh thì sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như loại và giai đoạn ung thư, độ tuổi, tình trạng của người bệnh, cảm nhận của người bệnh về những tác dụng phụ và thay đổi dài hạn do phương pháp điều trị gây ra,... Do vậy, người bệnh cần tuân thủ điều trị không tự ý thay đổi thuốc, dừng thuốc.

Theo suckhoedoisong.vn