Ung thư khoang miệng là một trong những loại ung thư phổ biến vùng đầu cổ. Đây là một khái niệm chung để chỉ các tổn thương ác tính xuất hiện ở vùng khoang miệng bao gồm: lưỡi, niêm mạc má, sàn miệng, lợi hàm trên và dưới, khẩu cái, môi. Trong đó ung thư lưỡi là thường gặp nhất.
1. Nguyên nhân ung thư khoang miệng
Cũng giống như các loại ung thư khác, nguyên nhân gây ra ung thư khoang miệng chưa được xác định. Tuy nhiên có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư khoang miệng bao gồm:
- Người hút thuốc lá
- Người uống rượu, đặc biệt rượu có nồng độ cao dễ gây bỏng niêm mạc miệng và thực quản
- Người có thói quen ăn uống các thực phẩm dễ kích thích như đồ ăn cay nóng, ăn nhiều muối…
- Tổn thương niêm mạc do nhiễm trùng
- Người mắc các bệnh liên quan đến virus như viêm gan, HIV…
- Thói quen vệ sinh răng miệng kém hoặc người mắc bệnh nướu răng cũng có khả năng phát triển khối u ác tính ở miệng cao
- Tuổi càng cao, nguy cơ mắc ung thư khoang miệng càng tăng
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư khoang miệng
- Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ khác như nhiễm virus Herpes, HPV (Human Papilloma Virus), hội chứng Xeroderma pigmentosum, thiếu máu Fanconi... cũng được cho là có liên quan đến ung thư khoang miệng.
Trong các yếu tố nguy cơ kể trên, người hút thuốc lá và uống rượu được xem là có nguy cơ cao mắc ung thư khoang miệng. Bởi trong thuốc lá và rượu có những chất kích thích độc hại là yếu tố chính gây ra ung thư khoang miệng.
2. Dấu hiệu ung thư khoang miệng
Cũng như các căn bệnh ung thư khác, ở giai đoạn đầu ung thư khoang miệng không có biểu hiện rõ ràng. Người bệnh thường phát hiện ra ung thư khoang miệng khi đã có khối u xâm lấn hoặc ở giai đoạn muộn.
Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể cảm thấy một số dấu hiệu mơ hồ như:
- Có cảm giác vướng trong miệng
- Tăng tiết nước bọt, có thể có máu trong nước bọt
- Xuất hiện hạt cơm màu trắng hoặc chấm trắng trên lợi hàm, niêm mạc má… với bề mặt gồ ghề, bờ viền không đều và không đau
- Có vết loét, nốt sùi trong khoang miệng
- Vết thương dễ chảy máu thậm chí là những vết thương nhỏ
- Tổn thương không lành sau khi nhổ răng, vết thương dễ chảy máu khi chạm vào, có thể sưng đỏ
- Tổn thương ở niêm mạc khoang miệng khó lành, đỏ và đau rát
- Đau ở khoang miệng không rõ nguyên nhân.
Ở giai đoạn muộn, ung thư khoang miệng có thể có các dấu hiệu như:
- Trong khoang miệng đau nhức, có thể gặp cơn đau dữ dội và lan lên cả tai.
- Gặp khó khăn khi nói và có cảm giác đau khi nói
- Khạc ra đờm lẫn máu, có thể có mùi hôi
- Khi các khối u đã di căn có thể có hạch ở cổ.
Các bác sĩ sau khi khám lâm sàng nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ ung thư khoang miệng, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện các xét nghiệm với hai mục đích: chẩn đoán xác định bằng sinh thiết và chẩn đoán giai đoạn (mức độ xâm lấn, đánh giá giai đoạn) bằng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, CT, MRI…).
3. Ung thư khoang miệng có lây không?
Ung thư khoang miệng không phải là bệnh truyền nhiễm nên không thể lây.
4. Phòng ngừa ung thư khoang miệng
Hiện chưa có những bằng chứng chính xác về nguyên nhân gây ung thư khoang miệng, do vậy chỉ có thể phòng ngừa bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ như:
- Nếu gia đình có người mắc ung thư nói chung và ung thư khoang miệng nói riêng, bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bạn cần thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc tầm soát ung thư dựa trên tư vấn của bác sĩ.
- Hút thuốc và uống rượu bia thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc ưng thư khoang miệng. Do vậy cần hạn chế tối đa việc hút thuốc, uống rượu bia.
- Giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng cách. Điều trị sớm các tổn thương viêm nhiễm vùng khoang miệng và các bất thường về răng tránh tạo các tổn thương tái đi tái lại do răng sai vị trí gây ra.
- Tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều.
- Duy trì lối sống khoa học hoặc bằng cách có chế độ ăn lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh và trái cây vào thực đơn hàng ngày. Đặc biệt là các loại rau củ quả có chứa chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng.
5. Điều trị ung thư khoang miệng
Dựa vào tình trạng sức khỏe, vị trí u, tuýp mô bệnh học và giai đoạn bệnh của từng người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị ung thư khoang miệng gồm có:
- Phẫu thuật: Đây là lựa chọn được ưu tiên nếu người bệnh được phát hiện sớm. Các bác sĩ sẽ phẫu thuật và tái tạo lại khu vực u nguyên phát.
- Xạ trị: Xạ trị đơn thuần hoặc kết hợp với hóa chất, có thể xạ trước hoặc sau phẫu thuật. Đây là phương pháp điều trị khi tổn thương lan rộng nhưng còn khu trú tại vùng.
- Điều trị hóa chất: Có thể dùng điều trị bổ trợ trước mổ tạo thuận lợi cho phẫu thuật, hoặc kết hợp với tia xạ để tăng hiệu quả điều trị, ngoài ra có thể điều trị hỗ trợ sau mổ. Bên cạnh đó hóa trị là biện pháp điều trị chính khi bệnh ở giai đoạn muộn không còn chỉ định phẫu thuật hoặc tia xạ.
- Thuốc điều trị đích
- Thuốc điều trị miễn dịch
- Điều trị chăm sóc giảm nhẹ.
Hiện nay, trong điều trị ung thư khoang miệng nói riêng và ung thư nói chung chủ yếu là kết hợp nhiều phương pháp để đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh. Sau khi điều trị, bệnh nhân cần thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ và tuân thủ tuyệt đối việc dùng thuốc nếu có.
Theo suckhoedoisong.vn