Gần 4 tháng nay, bệnh nhân nam có dấu hiệu nuốt đau, đầy bụng, nôn nhưng không thấy sút cân, mệt mỏi nên chủ quan không thăm khám. Khi dấu hiệu nặng hơn, bệnh nhân tới thăm khám thì đã phát hiện ung thư thực quản giai đoạn muộn.
Ung thư thực quản là gì?
Hằng năm có tới khoảng 10.000 ca mắc mới ung thư thực quản. Đây là căn bệnh thường gặp ở Việt Nam. Ung thư thực quản là những tổn thương ung thư xuất phát từ biểu mô niêm mạc của thực quản.
Dấu hiệu nhận biết ung thư thực quản
Ung thư thực quản có biểu hiện gì? Tùy vào giai đoạn bệnh, ung thư thực quản sẽ có những triệu chứng khác nhau.
- Ở giai đoạn sớm, ung thư thực quản thường không có biểu hiện gì. Bởi ở giai đoạn này thường là những tổn thương, biến đổi rất nhỏ trên bề mặt của thực quản và chưa gây ảnh hưởng rối loạn chức năng cơ thể hay bất thường gì về máu.
Những biểu hiện ở giai đoạn này có thể khiến người bệnh nhầm lẫn với bệnh trào ngược dạ dày như: nuốt nghẹn, nuốt vướng, cảm giác đau tức mơ hồ ở vùng ngực hoặc sau xương ức.
- Ở giai đoạn muộn bệnh sẽ có những biểu hiện rõ ràng do lúc này khối u to, gây ảnh hưởng đến việc tiêu hóa từ thực quản xuống dạ dày kém hơn. Một số biểu hiện thường gặp là: nuốt vướng, nuốt nghẹn, ho, khó thở do khối u to lên và xâm lấn vào phổi, vùng khí quản. Người bệnh có thể gầy, sút cân, thiếu máu khiến cơ thể suy kiệt.
Một số trường hợp di căn có thể có hạch ở vùng cổ.
Khi người bệnh cảm thấy có những bất thường như nuốt nghẹn, nuốt vướng trên 2 tuần nên thăm khám để tìm nguyên nhân.
Ung thư thực quản có chữa được không?
Việc điều trị ung thư thực quản có cần phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giai đoạn bệnh, thể trạng bệnh nhân, kích thước hoặc vị trí di căn của khối u… Các bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp như: hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, liệu pháp miễn dịch…
Một số cách điều trị ung thư thực quản:
- Phẫu thuật để tạo hình, nạo vét hạch hoặc làm giảm nhẹ triệu chứng. Trong trường hợp phẫu thuật dạ dày sẽ được mở thông, bệnh nhân không ăn uống bằng cách thông thường được mà cần đường hỗ trợ.
- Phương pháp xạ trị và hóa trị thường được kết hợp với nhau. Đây là phương pháp được áp dụng khi khối u không thể phẫu thuật và chưa di căn. Nếu khối u tiến triển, phương pháp xạ trị có thể được áp dụng để làm giảm nhẹ ảnh hưởng do khối u hoặc do di căn.
Phòng ngừa ung thư thực quản bằng cách nào?
Hiện tại, nguyên nhân gây ung thư thực quản vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, một số đối tượng sau có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:
- Người hút thuốc lá, uống rượu bia
- Người béo phì
- Người ăn nhiều đồ ăn nhanh, đồ nhiều chất béo, đồ cay nóng, ít vận động
- Bị bỏng gây tổn thương thực quản
- Trào ngược dạ dày kéo dài, co thắt tâm vị
Để phòng ngừa ung thư thực quản, cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ bằng cách duy trì lối sống khoa học.
- Không hút thuốc lá, uống rượu bia
- Tập luyện thể dục đều đặn
- Chế độ ăn nhiều chất xơ hoa quả và rau xanh, hạn chế đồ ăn dầu mỡ, cay nóng, đồ ăn chế biến sẵn
- Có chế độ nghỉ ngơi sinh hoạt hợp lý, tránh căng thẳng stress
- Thăm khám sức khỏe định kỳ và nhờ tư vấn của bác sĩ để tầm soát ung thư nếu cần thiết.
Theo suckhoedoisong.vn