Uống bia rượu bị đỏ mặt thì dễ mắc bệnh Alzheimer
Cập nhật lúc 21:49, Thứ tư, 18/12/2019 (GMT+7)
Nghiên cứu thực hiện tại trường y Đại học Stanford phát hiện một biến dị gen phổ biến trên một enzyme đóng vai trò quan trọng trong chuyển hoá chất cồn gây tăng tình trạng tổn thương tế bào trên những bệnh nhân mắc bệnh Alzheimer.
Những người có biến dị "rạng ngời Á đông - Asian glow" dễ mắc bệnh Alzheimer
Biến dị này trên men aldehyde dehydrogenase 2, gọi tắt là ALDH2, có liên quan đến tình trạng đỏ mặt sau khi uống bia rượu.
Hiện tượng này xảy ra do hoạt động của men này bị giảm nhiều, dẫn đến tình trạng tích tụ acetaldehyde, là một sản phẩm gây độc cho cơ thể được sinh ra trong quá trình chuyển hóa chất cồn. Biểu hiện đỏ mặt và tăng tình trạng viêm là phản ứng của cơ thể với những thành phần có hại này.
Những bằng chứng từ nghiên cứu này cho thấy thói quen uống bia rượu thường xuyên trên những người mang biến dị này sẽ thúc đẩy sự phát triển và tiến triển của bệnh Alzheimer.
Ngoài ra, bằng chứng từ nhiều nghiên cứu khác còn cho thấy những người mang biến dị này cũng bị tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Biến dị này ghi nhận trên khoảng 560 triệu người, tức khoảng 8% dân số trên thế giới. Biến dị này rất phổ biến ở người Đông Á, và còn được gọi là "rạng ngời Á đông - Asian glow", chiếm khoảng 1/2 dân Đông Á.
BS LÊ MINH QUANG
Theo tuoitre