leftcenterrightdel
 Số lượng hạt vi nhựa trong nước từ những ly nhựa là khoảng 1.500

Theo nghiên cứu mới được công bố, nếu bạn uống một tách cà phê mang đi mỗi tuần một lần cũng có thể khiến bạn tiếp xúc với khoảng 90.000 hạt nhựa có khả năng gây hại mỗi năm.

Hạt vi nhựa là bất kỳ mảnh nhựa nào nhỏ hơn 5mm, thậm chí nhỏ hơn nhiều và chỉ có thể nhìn thấy dưới kính hiển vi. Theo các nhà nghiên cứu, hầu hết các mảnh vi nhựa trong nghiên cứu đều có kích thước nhỏ hơn 50 micromet - khoảng đường kính của sợi tóc người.

Để phát hiện ra những hạt vi nhựa từ ly cà phê mang đi, các nhà khoa học đã xem xét ba loại cốc nhựa khác nhau - polypropylene hoặc PP, polyethylene terephthalate (PET) và polyethylene (PE).

Họ đổ 400ml nước vào ba loại ly nhựa, đậy kín bằng giấy bạc để ngăn các vi nhựa trong không khí xâm nhập vào, sau đó lắc trong một phút. Quy trình này cũng được thực hiện trên cốc thủy tinh sạch, được sử dụng làm chuẩn để hiệu chỉnh khả năng nhiễm bẩn.

Kết quả cho thấy số lượng hạt vi nhựa trong nước đạt từ 723 đến 1.489 hạt/ly sau năm phút.Vấn đề nữa là để một cốc càng lâu, số lượng các hạt càng lớn.

Trong ba ly thì ly polypropylene tạo ra số lượng hạt nhựa cao nhất. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tứ Xuyên, viết trên tạp chí Vật liệu Nguy hiểm cho biết: "Dựa trên kết quả, chúng tôi ước tính rằng mọi người có thể vô thức ăn 37.613–89.294 hạt vi nhựa mỗi năm do sử dụng một cốc nhựa khoảng 4-5 ngày một lần. Xem xét tác hại tiềm ẩn của vi nhựa, việc ô nhiễm vi nhựa do sử dụng ly nhựa để đựng đồ uống cần phải được xem xét nghiêm túc".

Cho đến nay, tác động từ hạt vi nhựa đến sức khỏe con người vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, theo phần lớn các nhà khoa học thì hạt vi nhựa nhỏ nhất có thể gây hại nhiều nhất cho sức khỏe, vì chúng có nhiều khả năng xâm nhập vào máu, các tế bào của con người. Ngoài việc gây hại nhựa có thể đe dọa sức khỏe do mang theo vi khuẩn có hại hoặc các hóa chất độc hại.

Một đánh giá năm 2017 của các nhà khoa học tại Đại học King's College, London đã đưa ra giả thuyết rằng việc ăn hoặc hít phải các vi hạt có thể khiến chúng tích tụ trong cơ thể theo thời gian và có thể tạo ra căng thẳng cho hệ thống miễn dịch.

Nghiên cứu năm nay của Heather Leslie và những người khác tại Đại học Tự do Amsterdam đã tìm thấy vi nhựa trong máu người, thậm chí đã được tìm thấy trong nhau thai, trẻ sơ sinh, phổi, tim thận, não và cả sữa của người mẹ mới sinh... nhưng những tác động chưa được biết đến. 

Mới đây, các chuyên gia về chất độc hàng đầu của Vương quốc Anh cho biết, các hạt vi nhựa trong cơ thể người không quá nguy hại. Giáo sư Frank Kelly, một chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Đại học Imperial College London, người chuyên về ô nhiễm, cho biết: “Vẫn còn phải xem liệu các hạt nhựa có đủ nhỏ để đi vào máu hay di chuyển đến các cơ quan của chúng ta hay không. Nếu chúng ta nuốt phải nhựa, dù nhỏ đến mấy, khả năng là nó sẽ được thảy ra qua đường tiêu hoá. Tôi vẫn chưa thấy bằng chứng các hạt nhựa có thể đi qua phổi mà không bị ho hoặc hắt hơi ra ngoài".

Theo các nhà khoa học, điều đáng lo ngại là các chất hóa học trên bề mặt của các hạt nhỏ li ti. Giáo sư Kelly cho biết: “Nhựa thường được phủ một lớp hóa chất khó phân huỷ. Đây là những gì chúng tôi gọi là "hóa chất mãi mãi", có nghĩa là chúng có thể tồn tại trong cơ thể người trong một thời gian dài. Đáng lo ngại nhất trong số các hóa chất này là Bisphenol A (BPA), được sử dụng để làm cứng nhựa. Nếu chúng ta muốn xoa dịu nỗi sợ hãi, chúng ta nên giảm số lượng các hóa chất có thể nguy hiểm mà chúng ta sử dụng trong nhựa".

Theo phụ nữ TPHCM