leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

 

Theo tư vấn của chuyên gia y tế Mỹ, Melissa Conrad Stoppler MD, khi một lượng nước bị mất đi do tập thể dục cường độ cao, việc bổ sung nước lọc có thể dẫn đến mất cân bằng hóa học trong cơ thể và thiếu hụt chất điện giải, đây là những chất dinh dưỡng quan trọng cho hoạt động của các cơ quan.

Do đó, khi tập thể dục cường độ cao chúng ta không nên uống quá nhiều nước lọc mà cần bổ sung các thức uống có chứa chất điện giải.

Các chất điện giải trong cơ thể chúng ta bao gồm natri, kali, clorua, canxi và phốt phát. Tuy nhiên, natri là chất cần được quan tâm nhất khi thay thế chất lỏng bị mất khi tập thể dục.

Hạ natri máu là tình trạng lượng natri dự trữ trong cơ thể quá thấp và tình trạng này có thể xảy ra do uống quá nhiều nước. Hạ natri máu có thể dẫn đến lú lẫn, hôn mê, kích động, co giật và trong trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.

Các triệu chứng ban đầu không đặc hiệu và khó phát hiện, có thể bao gồm mất phương hướng, buồn nôn hoặc chuột rút cơ bắp. Các triệu chứng của hạ natri máu cũng có thể giống triệu chứng mất nước, vì vậy nhiều người khi gặp phải các triệu chứng này có thể được cho uống nhiều nước, khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.

Hạ natri máu chỉ nguy hiểm khi lượng chất lỏng bị mất đi và thay thế bằng lượng lớn nước lọc.

Trong một nghiên cứu, 62 trong số 488 vận động viên chạy marathon ở Boston được lấy mẫu máu ở vạch đích có nồng độ natri trong máu thấp bất thường. Hạ natri máu phổ biến hơn ở những người gầy chạy bộ - những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) khoảng 20 so với những người chạy bộ có cân nặng bình thường.

Để ngăn ngừa hạ natri máu và mất cân bằng điện giải, các vận động viên được khuyên nên thay thế nước trong cơ thể bị mất bằng đồ uống có chứa chất điện giải.

Theo laodong