Nước rất cần thiết cho cơ thể. Tất cả các tế bào của cơ thể đều cần nước để hoạt động tốt. Khi bạn uống quá nhiều nước, sẽ gây thừa nước.
1. Uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn có thể dẫn đến ngộ độc nước
Khi uống quá nhiều nước, bạn có thể bị ngộ độc nước, say hoặc rối loạn chức năng não. Điều này xảy ra khi có quá nhiều nước trong tế bào (bao gồm cả tế bào não), khiến chúng sưng lên.
Khi các tế bào trong não sưng lên, chúng gây áp lực trong não gây đau đầu, nhầm lẫn, buồn ngủ… Nếu áp suất này tăng lên, nó có thể gây ra các tình trạng như tăng huyết áp và chậm nhịp tim…
Natri là chất điện giải bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thừa nước, dẫn đến tình trạng gọi là hạ natri máu. Natri là một nguyên tố quan trọng giúp giữ cân bằng chất lỏng trong và ngoài tế bào. Khi mức độ natri giảm xuống, do lượng nước trong cơ thể cao, chất lỏng sẽ xâm nhập vào bên trong các tế bào. Sau đó, các tế bào sưng lên, khiến bạn có nguy cơ bị co giật, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.
Ngộ độc nước xảy ra khi bạn uống quá nhiều nước khiến thận không thể đào thải đủ nhanh, do đó thận bắt đầu pha loãng các chất điện giải - chủ yếu là natri - trong máu. |
Uống quá nhiều nước có thể dẫn đến ngộ độc nước, làm tăng huyết áp và chậm nhịp tim…
2. Uống bao nhiêu nước có thể dẫn đến ngộ độc nước?
Tình trạng ngộ độc nước xảy ra khi bạn uống nhiều nước hơn lượng nước có thể bài tiết qua nước tiểu. Ở người trưởng thành khỏe mạnh, thận có thể bài tiết 0,8 -1 lít nước mỗi giờ. Tuy nhiên, lượng này có thể thấp hơn nhiều nếu bạn bị bệnh thận hoặc các tình trạng bệnh lý khác ảnh hưởng đến lượng nước tiểu.
Một nghiên cứu năm 2021 tại BMJ Open cho thấy rằng, lượng nước trung bình có thể dẫn tới ngộ độc nước là tiêu thụ khoảng 5,3 lít trong 4 giờ. Đây là ngưỡng trung bình và không phải là ngưỡng chính xác cho tất cả mọi người. Nguy cơ nhiễm độc nước sẽ khác nhau tùy thuộc vào tần suất uống, tuổi, giới tính, cân nặng, tình trạng thể chất và bệnh lý tiềm ẩn đi kèm…
TS. Lewis Nelson, Trưởng khoa cấp cứu Trường Y khoa Rutgers New Jersey cho biết, ngộ độc nước có thể xảy ra khi uống hơn 3 đến 4 lít nước trong thời gian ngắn (1-2 giờ).
3. Ngộ độc nước thường xảy ra khi nào?
Hạ natri máu, hậu quả chính của ngộ độc nước, có thể xảy ra khi bạn uống quá nhiều nước và có nồng độ natri trong máu thấp.
Có một số tình huống có thể góp phần khởi phát tình trạng ngộ độc nước và hạ natri máu, bao gồm giảm cân, đổ mồ hôi quá nhiều và bệnh đái tháo đường.
3.1 Giảm cân
Mọi người đôi khi có xu hướng uống nhiều nước để giảm cân. Mặc dù nước có thể hỗ trợ giảm cân bằng cách tăng cảm giác no, nhưng không nên lạm dụng.
3.2 Thể thao biểu diễn
Các vận động viên uống nước để giải nhiệt và bổ sung lượng nước bị mất qua mồ hôi là điều bình thường. Tuy nhiên, khi gắng sức quá mức, cơn khát có thể không phải là hướng dẫn (chỉ báo) tốt nhất để bổ sung nước.
Hạ natri máu hay xảy ra ở những người tham gia cuộc thi marathon, do uống quá nhiều nước và mất nhiều natri do đổ mồ hôi.
Do đó, các vận động viên này nên được hướng dẫn chuyên nghiệp để đảm bảo uống đủ nước.
3.3 Bệnh đái tháo đường
Hạ natri máu có thể xảy ra ở những người mắc bệnh đái tháo đường do tăng cảm giác khát nước (một triệu chứng phổ biến của bệnh). Lượng đường trong máu cao không được kiểm soát, cũng góp phần vào việc đi tiểu thường xuyên, có thể loại bỏ các chất điện giải ra khỏi cơ thể.
Nếu lượng nước bạn uống vào vượt quá lượng natri bài tiết và các chất điện giải khác, cũng có thể dẫn đến tình trạng hạ natri máu.
Cách tốt nhất để tránh điều này là quản lý bệnh đái tháo đường bằng chế độ ăn kiêng, tập thể dục thường xuyên và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ. Bằng cách kiểm soát lượng đường trong máu, người bệnh sẽ ít cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều.
Phụ nữ từ 19 - 30 tuổi nên uống khoảng 2,7 lít nước/ngày.
4. Triệu chứng ngộ độc nước
TS. Nelson cho biết, ngộ độc nước chủ yếu là một hội chứng thần kinh. Quá nhiều nước có thể làm cho não sưng lên và phá vỡ hoạt động bình thường.
Các triệu chứng ban đầu của ngộ độc nước có thể bao gồm:
- Nhức đầu.
- Lú lẫn.
- Buồn nôn, nôn.
- Hay quên.
Nếu không được điều trị ngay lập tức, nó có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:
- Nói lắp.
- Yếu đuối.
- Ảo giác.
- Chuột rút cơ bắp.
- Suy giảm chức năng não.
- Co giật.
- Hôn mê…
5. Cách nhận biết cho thấy bạn đang uống quá nhiều nước
- Màu nước tiểu: Một trong những cách tốt nhất để xác định xem bạn có uống đủ nước hay không là theo dõi màu nước tiểu. Nước tiểu thường có màu từ vàng nhạt đến màu trà do sự kết hợp của sắc tố urochorom và mực nước trong cơ thể. Nếu nước tiểu thường trong, đó là dấu hiệu chắc chắn bạn đang uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn.
- Quá nhiều lần đi vệ sinh: Một dấu hiệu khác là nếu bạn đang đi tiểu nhiều hơn bình thường. Trung bình, một người đi tiểu từ 6 đến 8 lần một ngày.
- Buồn nôn hoặc nôn: Khi có quá nhiều nước trong cơ thể, thận không thể loại bỏ chất lỏng dư thừa. Nó bắt đầu tích tụ trong cơ thể, dẫn đến bồn nôn, nôn và tiêu chảy.
- Nhức đầu suốt cả ngày: Nước dư thừa trong cơ thể khiến nồng độ muối (natri) trong cơ thể giảm xuống và các tế bào sưng lên. Sự sưng tấy này khiến chúng phát triển về kích thước và gây áp lực trong sọ não. Áp lực này gây ra cơn đau đầu và có thể dẫn đến suy giảm chức năng não...
- Sự đổi màu của bàn tay, bàn chân và môi: Khi cơ thể bị thừa nước, bạn sẽ thấy bàn chân, bàn tay và môi bị sưng hoặc đổi màu.
- Cơ yếu dễ bị chuột rút: Khi mức điện giải natri giảm xuống do uống quá nhiều nước, làm mất cân bằng điện giải. Nồng độ chất điện giải thấp trong cơ thể có thể gây co thắt cơ và chuột rút.
- Mệt mỏi: Uống quá nhiều nước khiến thận phải làm việc quá sức để loại bỏ lượng nước dư thừa. Điều này tạo ra phản ứng hormone khiến bạn cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Nếu bạn không thể ra khỏi giường sau khi uống quá nhiều nước, đó là do thận của bạn đang làm việc quá sức.
6. Bạn cần bao nhiêu nước mỗi ngày?
Lượng nước bổ sung hàng ngày sẽ phụ thuộc vào:
- Mức độ hoạt động thể chất.
- Khí hậu.
- Trọng lượng cơ thể.
- Giới tính…
Người lớn bình thường, trung bình cần uống khoảng 2,7 -3,7 lít chất lỏng mỗi ngày từ nước, thức ăn và đồ uống khác.
Theo sucukhoedoisong.vn