1. Thuốc tây và thực phẩm quá nhiều chất xơ

Khi đang uống thuốc tây điều trị một loại bệnh nào đó, nên tránh ăn thực phẩm nhiều chất xơ. Vì chế độ ăn giàu chất xơ sẽ ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ thuốc của dạ dày, từ đó làm hạn chế hiệu quả điều trị bệnh.

2. Thuốc chống đông và thực phẩm giàu vitamin K

Thuốc chống đông hay còn gọi là thuốc kháng vitamin K. Đây là loại thuốc được chỉ định sử dụng điều trị và ngăn ngừa huyết khối hình thành trong lòng mạch máu.

Do đó lưu ý khi sử dụng thuốc này cần tránh các loại thực phẩm giàu vitamin K. Các loại thực phẩm này bao gồm bắp cải, cải xoăn, súp lơ, cần tây, cà chua, quả bơ… Mặc dù thực phẩm giàu vitamin K rất tốt, nhưng với người đang uống thuốc chống đông, thực phẩm giàu vitamin K sẽ làm cản trở tác dụng của thuốc.

Khi uống thuốc tây, không nên ăn thực phẩm nào? - Ảnh 1.

Thực phẩm giàu vitamin K.

3. Sữa và chế phẩm từ sữa

Sữa và chế phẩm có nhiều canxi, một số thuốc tây có thể bị kết tủa khi tiếp xúc với canxi, sắt hoặc các khoáng chất khác có trong sữa. Sự kết tủa này làm giảm khả năng hấp thu thuốc của cơ thể, giảm hiệu quả của thuốc, thậm chí là còn làm tăng thêm độc tính của thuốc.

- Các kháng sinh thường kết tủa với sữa như ciprofloxacin, flouroquinolones, tetracycline… sẽ làm giảm khả năng hấp thụ thuốc và giảm hiệu quả điều trị của thuốc.

- Canxi trong sữa làm tăng độc tính của digoxin (thuốc điều trị suy tim).

- Thuốc levodopa - một loại thuốc điều trị parkinson nếu dùng cùng với sữa thì khi đến đường ruột, sữa bị phân hủy tạo ra một lượng lớn acid amin, ngăn sự hấp thu levodopa được hấp thu trong ruột, từ đó làm giảm hiệu quả điều trị của thuốc.

- Khi uống sữa cùng thuốc điều trị tiêu chảy, sữa vón cục sẽ "bọc" viên thuốc và làm thay đổi tính chất.

Ngoài ra các khoáng chất như canxi, sắt sẽ cạnh tranh hấp thu tại tá tràng, do đó sẽ giảm hiệu quả do khả năng hấp thu bị kém đi.

- Không nên uống estrogen cùng với sữa, vì sữa làm tăng hoạt động của các enzyme chuyển hóa và làm giảm hiệu quả của estrogen.

Đối với các loại thuốc điều trị bệnh nêu trên thường ở những bệnh nhân cần bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là từ sữa. Do đó để hạn chế tác hại của sữa đối với thuốc, chúng ta cũng không cần kiêng sữa tuyệt đối mà cần uống sữa và các chế phẩm từ sữa trước hoặc sau khi uống thuốc ít nhất 2 giờ.

4. Thuốc tây với nước ép bưởi

Mặc dù nước ép bưởi rất tốt, nhưng một số loại thuốc phổ biến, nhiều bệnh nhân phải sử dụng có thể tương tác bất lợi với nước ép bưởi:

- Statin: Là nhóm thuốc điều trị tăng cholesterol, giúp cải thiện mỡ máu và giảm tỉ lệ tử vong do bệnh tim mạch ở bệnh nhân mỡ máu cao. Tác dụng phụ của statin thường gặp là làm yếu cơ vân, trong đó nước ép bưởi đã được chứng minh nếu uống cùng nước bưởi sẽ làm gia tăng nồng độ thuốc trong máu lên 260%, do đó làm tăng tác dụng phụ lên cơ vân khiến đau yếu cơ nhiều hơn.

Khi uống thuốc tây, không nên ăn thực phẩm nào? - Ảnh 3.

Không uống nước ép bưởi với thuốc.

- Thuốc điều trị tăng huyết áp: Thuốc chẹn kênh canxi như felodipine, nifedippine giúp giảm huyết áp bằng cách thay đổi mạch máu sử dụng canxi, làm giãn mạch. Nếu uống nước bưởi khi dùng thuốc chẹn kênh canxi có thể làm tăng nồng độ của thuốc khiến huyết áp giảm mạnh, có thể gây nguy hiểm.

Thuốc losartan, eplerennone là thuốc thuộc nhóm chẹn thụ thể angiotensin 2, cũng là nhóm thuốc được sử dụng khá nhiều trong điều trị bệnh tăng huyết áp. Tuy nhiên nếu uống nước ép bưởi sẽ làm giảm tác dụng của thuốc, khiến thuốc không còn khả năng kiểm soát huyết áp.

Ngoài ra, nước ép bưởi còn tương tác với một số nhóm thuốc điều trị các bệnh lý như:

- Nhóm thuốc điều trị nhịp tim.

- Thuốc điều trị nhiễm trùng (bao gồm cả vi khuẩn, virut, ký sinh trùng).

- Thuốc điều trị trầm cảm, lo âu.

- Thuốc chống đông máu…

Nếu bệnh nhân đang được điều trị với một trong những nhóm thuốc này, có thể cần phải kiêng bưởi và không nên uống nước ép bưởi. Bởi đa số các thuốc này có tác dụng kéo dài từ 12-24 giờ mỗi ngày, do đó uống nước bưởi vào bất kỳ thời điểm nào cũng đều bất lợi.

Theo suckhoedoisong.vn