leftcenterrightdel
(Ảnh: Stock) 

Vitamin C cần thiết cho hệ miễn dịch hoạt động, đóng vai trò bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công từ các virus hay vi khuẩn.

Việc bổ sung vitamin C cần phải tuân theo chỉ định của bác sỹ. Nếu dùng liều lượng cao trong thời gian dài có thể gây ra những vấn đề không tốt cho sức khỏe.

1. Tác dụng của vitamin C

Vitamin C là một chất chống ôxy hóa mạnh, có vai trò quan trọng trong bảo vệ cơ thể khỏi các tổn hại từ các gốc tự do và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hấp thu và chuyển hóa các chất.

Vitamin C có khả năng tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, giúp bảo vệ khỏi sự xâm nhập của virus, vi khuẩn và các mầm bệnh gây hại. Nó có khả năng phòng ngừa các bệnh cảm lạnh, cảm cúm và viêm đường hô hấp thông thường khi thời tiết thay đổi.

Ngoài ra, việc bổ sung vitamin C có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc ung thư do khả năng trung hòa các gốc tự do và bảo vệ tế bào khỏi các tác nhân gây hại.

Vitamin C cũng có lợi cho sức khỏe tim mạch bằng cách thúc đẩy sự đàn hồi của mạch máu và giúp kiểm soát cholesterol trong máu.

Vitamin C có khả năng thúc đẩy sản xuất collagen tự nhiên, làm giảm nếp nhăn, làm sáng da, tái tạo tế bào, giảm sự xuất hiện của melanin và giúp da trở nên sáng mịn. Nó cũng giúp bảo vệ da khỏi tác động của tia UV và làm giảm tình trạng nám da. Sử dụng vitamin C không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tổng thể mà còn là một cách để duy trì làn da khỏe đẹp.

leftcenterrightdel
(Ảnh: Getty images) 

2. Liều dùng vitamin C tối đa là bao nhiêu?

Khi sử dụng với liều lượng thích hợp, vitamin C được xem là an toàn cho sức khỏe. Nếu bạn chọn bổ sung vitamin C, tốt nhất nên chọn loại chứa không quá 100% nhu cầu hàng ngày của bạn. Đó là 90mg mỗi ngày đối với nam và 75mg mỗi ngày đối với nữ.

Bạn lưu ý không nên uống vitamin C liều cao trong thời gian dài bởi uống bổ sung vitamin C trên 2.000mg mỗi ngày làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ đáng kể.

Ngoài bổ sung qua đường uống, bạn nên chú ý bổ sung qua các loại thực phẩm. Một số loại trái cây và rau quả có chứa nhiều vitamin C như trái cây họ cam quýt, ớt xanh, dâu tây, cà chua, bông cải xanh, khoai tây trắng, khoai lang, các loại rau có màu xanh đậm, dưa đỏ, đu đủ, xoài, súp lơ, bắp cải, quả mâm xôi, quả việt quất,...

leftcenterrightdel
(Ảnh: Getty images) 

3. Tác hại của uống vitamin C quá liều

Dù vitamin C đem lại lợi ích to lớn đối cho sức khỏe nhưng việc uống liều cao hàng ngày có thể dẫn đến thừa vitamin C và gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

Tác động đến thận

Khi cơ thể tiếp nhận lượng vitamin C vượt quá nhu cầu, lượng vitamin C dư thừa sẽ được bài tiết dưới dạng oxalate, đi ra ngoài cơ thể thông qua quá trình bài tiết nước tiểu. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, oxalate có thể tương tác với các khoáng chất khác dẫn đến hình thành sỏi thận.

Rối loạn tiêu hóa

Hấp thụ quá nhiều vitamin C liều cao có thể gây nên tác dụng phụ là khó tiêu hóa. Triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất ở người dư thừa vitamin C là buồn nôn, tiêu chảy, trào ngược axít dạ dày.

leftcenterrightdel
(Ảnh: Getty images) 

Bệnh gout

Khi cơ thể có hàm lượng vitamin C vượt ngưỡng cho phép sẽ làm tăng hàm lượng axít uric, tồn đọng tinh thể urat ở khớp từ đó sinh ra cơn gout cấp. Bệnh lý này gây sưng, đỏ và đau khớp dữ dội, có thể biến chứng tăng huyết áp, suy thận,…

Cản trở hấp thu sắt

Sử dụng vitamin C làm tăng khả năng hấp thu sắt. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc dùng 100mg vitamin C trong bữa ăn có thể tăng sự hấp thụ sắt lên đến 67%. Do đó, những người mắc các bệnh liên quan đến huyết sắc tố cần cẩn trọng khi bổ sung vitamin C.

Việc tiêu thụ một lượng lớn vitamin C có thể gây cản trở sự hấp thu sắt và dẫn đến sự tích tụ dư thừa sắt, gây tổn hại cho cơ quan tim, gan, tuyến tụy, tuyến giáp và hệ thần kinh trung ương. Bên cạnh đó, cơ thể cũng bị giảm khả năng hấp thụ đồng và niken, từ đó dẫn đến các vấn đề về xương khớp như xương phát triển chậm, biến dạng xương.

leftcenterrightdel
(Ảnh: Getty images) 

Mất cân bằng dinh dưỡng

Vitamin C ít nhiều có tác động đến quá trình hấp thu các vitamin và chất khoáng của cơ thể dẫn đến mất cân bằng dinh dưỡng nếu sử dụng quá nhiều. Trong đó, vitamin C làm giảm lượng vitamin B12 và đồng, làm tăng khả năng hấp thu sắt nên có thể gây tăng nồng độ sắt quá cao.

Loét dạ dày-tá tràng

Nếu thường xuyên bổ sung vitamin C liều cao rất dễ bị nhiễm trùng, viêm nhiễm tá tràng và dạ dày từ đó gây nên các cơn đau quặn bụng ngày càng dữ dội.

leftcenterrightdel
(Ảnh: Getty Images) 

4. Những lưu ý khi uống vitamin C

Để tránh những hệ lụy do thừa vitamin C gây ra, trong quá trình bổ sung loại vitamin này cần lưu ý một số điểm sau.

- Nên tránh dùng vitamin C khi đói để không khiến bụng khó chịu, cồn cào hay dễ bị rối loạn tiêu hóa.

- Nên uống vitamin C vào buổi sáng để cơ thể hấp thu tốt hơn và không nên uống vào buổi tối để tránh bị mất ngủ.

- Trong thời gian bổ sung vitamin C không nên uống rượu bia hay hút thuốc lá để tránh làm giảm nồng độ vitamin C trong cơ thể.

- Nên bổ sung vitamin C từ thực phẩm tự nhiên hơn là thực phẩm chức năng để đảm bảo cung cấp chất dinh dưỡng tự nhiên cho cơ thể.

- Nên uống nhiều nước khi uống vitamin C để cơ thể hấp thụ vitamin C nhanh hơn.

- Không được dùng vitamin C cùng deferoxamin vì rất dễ tăng độc tính của sắt với mô, nhất là mô tim./.

Theo vietnamplus