Vaccine COVID-19 công nghệ truyền thống giúp giảm thiểu ca bệnh nặng
Cập nhật lúc 22:07, Thứ hai, 14/11/2022 (GMT+7)
Theo kết quả cuộc nghiên cứu ở Singapore, mặc dù vaccine bất hoạt có thể không hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2, nhưng những vaccine công nghệ cũ này có thể ngăn ngừa bệnh trở nặng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Yatsushiro, tỉnh Kumamoto, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/ TTXVN)
Các loại vaccine ngừa COVID-19 sản xuất theo công nghệ bất hoạt virus có thể giúp ngăn ngừa bệnh trở nặng, mặc dù thường bị đánh giá là tạo ra lượng kháng thể thấp hơn so với vaccine công nghệ mRNA.
Đây là kết quả của nghiên cứu công bố mới đây tại Singapore.
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y Duke - NUS đã so sánh phản ứng miễn dịch của tế bào T trong khoảng 500 mẫu máu của hơn 130 người đã tiêm vaccine virus bất hoạt và vaccine mRNA.
Kết quả cho thấy các vaccine bất hoạt như vaccine của Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc) tạo ra lượng kháng thể phổ rộng hơn chống lại nhiều protein khác nhau của virus SARS-CoV-2, trong khi các vaccine mRNA như vaccine của Pfizer/BioNTech (Mỹ/Đức) và Moderna (Mỹ) chỉ nhắm mục tiêu vào protein gai.
Vaccine bất hoạt được sản xuất bằng cách nuôi cấy tác nhân gây bệnh, thường là virus, trong những môi trường thích hợp. Đây là công nghệ được sử dụng trong sản xuất vaccine phòng bại liệt và cúm.
Trong khi đó, vaccine mRNA sử dụng vật liệu di truyền của virus để kích thích phản ứng miễn dịch.
Theo Tiến sỹ Anthony Tanoto Tan, đồng tác giả nghiên cứu, kết quả trên cho thấy mặc dù vaccine bất hoạt có thể không hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2, nhưng những vaccine công nghệ cũ này có thể ngăn ngừa bệnh trở nặng.
Các nhà nghiên cứu kết luận mỗi công nghệ sản xuất vaccine đều có những ưu điểm riêng, do đó nếu sử dụng kết hợp các vaccine sản xuất theo cả 2 công nghệ mới và cũ có thể cung cấp sự bảo vệ tốt hơn chống lại COVID-19./.
Theo TTXVN/Vietnam+