leftcenterrightdel
 Tổng thống Putin nói về triển vọng vaccine ung thư. Ảnh:Yahoo News.

Phát biểu trong một diễn đàn mới đây ở Moscow, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố nước này mới có một bước đột phá đang kể trong việc nghiên cứu về bệnh ung thư.

Cụ thể, ông Putin cho biết các nhà khoa học Nga đang tiến rất gần trong việc tạo ra vaccine ung thư và sẽ sớm đưa vào sử dụng, theo Reuters.

Tuyên bố từ hôm 14/2 này của ông Putin khiến nhiều người quan tâm, nhưng chưa rõ vaccine Nga đang nghiên cứu được dành cho loại ung thư nào và vaccine sẽ có hiệu quả ra sao.

"Chúng ta đã đến rất gần trong việc tạo ra vaccine ung thư và thuốc điều hòa miễn dịch thế hệ mới. Tôi hy vọng vaccine sẽ mang lại hiệu quả như các phương pháp điều trị ung thư cá nhân", ông Putin nói.

Không riêng Nga, một số quốc gia và công ty khác cũng đang nghiên cứu vaccine ngừa ung thư.

Ví dụ, vào năm 2023, Chính phủ Anh đã ký thỏa thuận với công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức để khởi động các thử nghiệm lâm sàng nhằm cung cấp các phương pháp điều trị ung thư được cá nhân hóa. Mục tiêu của thỏa thuận này là tiếp cận 10.000 bệnh nhân vào năm 2023.

Trong một tuyên bố, Chính phủ Anh cho biết sự hợp tác sẽ mang lại cho bệnh nhân ung thư cơ hội tiếp cận với các thử nghiệm cũng như liệu pháp điều trị ung thư mới nhất.

Theo đó, BioNTech sẽ thực hiện những thử nghiệm lâm sàng ngay tại Anh để điều trị cho bệnh nhân thông qua liệu pháp miễn dịch. Liệu pháp này sẽ kích thích hệ thống miễn dịch để hệ thống có thể nhận biết và loại bỏ các tế bào ung thư.

Bộ trưởng Y tế Steve Barclay nhấn mạnh đây là một bước tiến lớn của Anh trong cuộc chiến chống lại bệnh ung thư.

Hai công ty dược phẩm của Mỹ là Moderna và Merck & Co cũng đang phát triển một loại vaccine ung thư.

Giai đoạn giữa của thử nghiệm cho thấy vaccine này làm giảm một nửa nguy cơ tái phát hoặc tử vong do khối u ác tính sau 3 năm điều trị. Hiện, khối u ác tính được coi là dạng ung thư da nguy hiểm nhất.

Ngoài ra, Moderna cũng đang nghiên cứu vaccine mRNA-4359 nhằm chống nguy cơ khối u ác tính phát triển và chống ung thư phổi cũng như các bệnh ung thư khối u rắn khác.

Tháng 10/2023, một người đàn ông 81 tuổi mắc ung thư da ác tính đã được tiêm vaccine thử nghiệm. Ông là người đầu tiên thực hiện cuộc thử nghiệm mang nhiều hy vọng này, theo Yahoo News.

Hiện, thế giới có 6 loại vaccine được cấp phép để chống virus gây u nhú ở người (gọi tắt là HPV).

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tất cả loại vaccine này đều rất tốt trong việc ngăn ngừa HPV 16 và HPV 18 - hai loại virus gây ra khoảng 70% trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn cầu. Vaccine cũng mang lại hiệu quả trong việc ngăn ngừa các tổn thương tiền ung thư cổ tử cung do những loại virus này gây ra.

Đặc biệt, vaccine tứ liên HPV (một trong sáu loại vaccine HPV hiện hành) có thể ngăn ngừa mụn cóc sinh dục - một loại bệnh phổ biển do virus HPV 6 và HPV 11 gây ra.

Năm 2022, WHO khuyến nghị liều lượng và lịch tiêm HPV như sau:

  • Tiêm 1-2 liều cho bé gái 9-14 tuổi.
  • Tiêm 1-2 liều cho bé gái và phụ nữ 15-20 tuổi.
  • Tiêm 2 liều cho phụ nữ trên 21 tuổi, 2 liều phải cách nhau 6 tháng.
  • Tiêm tối thiểu 2 liều, hoặc 3 liều cho những người suy giảm miễn dịch hoặc nhiễm HIV.

Theo lifestyle.zingnews