Ảnh: AP
Từng có thời điểm mà một số quốc gia nghèo nghĩ rằng họ sẽ thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất của đại dịch - nhờ mật độ dân số, nhân khẩu học hoặc khí hậu. Nhưng thực tế không phải như vậy.
Nếu tính theo "số người chết quá nhiều" - thước đo số người chết vì bất kỳ nguyên nhân nào trong một thời kỳ nhất định so với mức trung bình trong lịch sử, các nước nghèo thường ở tình trạng tồi tệ hơn so với các nước giàu có.
Trong khi đó, các nỗ lực tiêm ngừa Covid-19 ở nhiều khu vực nghèo hơn của thế giới đang gặp rất nhiều trở ngại.
Tạp chí Economist dẫn số liệu từ dự án Our World in Data của Đại học Oxford chỉ ra rằng, ở châu Phi đến nay chỉ 1% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vắc-xin. Ở châu Á, con số này là 4,4%. Ở châu Âu và châu Mỹ, tỷ lệ lần lượt đạt 22% và 44%.
Theo Airfinity, một công ty phân tích có trụ sở tại London, COVAX - chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu được các nước giàu chủ yếu ở châu Âu và Mỹ tài trợ - đến nay đã tặng được 49 triệu liều cho 120 quốc gia.
Trung Quốc đã phân phối 13,4 triệu liều tới 45 quốc gia khác nhau, với số lượng lớn nhất cho Pakistan, Lào, Campuchia và Philippines.
Ấn Độ, nơi có Viện Huyết thanh là cơ sở sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, tài trợ được 10,5 triệu, chủ yếu cho Bangladesh, Myanmar, Nepal và Bhutan, tương đương với 10 triệu liều mà Ấn Độ nhận cho chính mình từ COVAX.
Tính chung, toàn thế giới đã cho đi 73,4 triệu liều, đủ để tiêm một mũi cho 1% dân số toàn cầu.
Lượng vắc-xin được tặng, được phân phối tính đến ngày 5/5
Hôm 26/4, Nhà Trắng thông báo Mỹ sẽ chia sẻ tới 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca với phần còn lại của thế giới, nhưng đến nay chỉ có 10 triệu liều trong số này được sản xuất. Số lượng sẽ tăng thêm nhưng gần như không đủ nhanh để đảm bảo tiến độ.
Đến giữa năm 2021, COVAX dự kiến sẽ phân phối được 238 triệu liều, đủ để cung cấp một mũi tiêm cho 3% dân số toàn cầu.
Thiếu hụt vắc-xin hiện nay là vấn đề lớn nhất. Năng suất có thể không thể đoán trước trong khi việc mở rộng quy mô sản xuất rất khó khăn. Các nguồn cung nguyên phụ liệu cũng eo hẹp. Đồng thời, các quốc gia đều ra sức đảm bảo quyền lợi cho người dân của mình trước tiên.
Nếu WHO phê chuẩn thêm vắc-xin Sinovac của Trung Quốc trong những ngày tới, giúp tăng số lượng vắc xin mà COVAX có thể mua được thì tình hình sẽ được cải thiện hơn.
Hôm 3/5, Moderna cho biết sẽ cung cấp 34 triệu liều vắc xin ngừa Covid-19 cho COVAX.
Tiền là một vấn đề khác nữa. Tính đến 16/4, tổng số tiền đóng góp cho COVAX chỉ đạt 6,6 tỷ USD. Cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã kêu gọi các nước giàu quyên góp 60 tỷ USD để chống lại đại dịch ở các nước nghèo hơn.
Tiêm phòng cho người nghèo trên thế giới là câu chuyện mang tính nhân đạo mạnh mẽ. Nhưng nó cũng nằm trong lợi ích của chính các nước giàu.
Số ca nhiễm Covid-19 tăng cao dù ở đâu cũng có nghĩa là virus SARS-CoV-2 càng có cơ hội đột biến, trong trường hợp xấu nhất, khiến những người đã được tiêm ngừa vẫn dễ tái nhiễm. Vì vậy, với mọi người dù giàu hay nghèo, đó là một viễn cảnh phải tránh bằng mọi giá.
Theo vietnamnet