Vitamin D liên quan đến một số bệnh mạn tính

Mối quan tâm về vai trò của Vitamin D đối với sức khỏe và bệnh tật ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Trên thực tế, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy mối liên quan giữa vitamin D với một số bệnh mạn tính ở trẻ em và người lớn được đưa ra. Ngăn ngừa thiếu hụt vitamin D và cung cấp đầy đủ vitamin D và canxi trong thời kỳ thơ ấu có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh loãng xương cũng như các loại bệnh khởi phát muộn ở người trưởng thành liên quan đến tình trạng thiếu hụt vitamin D.

leftcenterrightdel
 

Mặc dù có các chính sách tăng cường thực phẩm ở nhiều quốc gia và các khuyến cáo bổ sung vitamin D ở những đối tượng có nguy cơ. Nhưng việc thiếu hụt vitamin D và còi xương ở trẻ nhỏ vẫn còn là vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ở nhiều quốc gia đã và đang phát triển. Có bằng chứng cho thấy các khuyến cáo bổ sung hiện nay đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai và cho con bú không đảm bảo việc cung cấp đầy đủ lượng vitamin D cần thiết ở các quốc gia này.

Bệnh còi xương do thiếu vitamin D có thể phòng ngừa bằng chế độ dinh dưỡng đầy đủ vitamin D. Còi xương là biểu hiện của tình trạng thiếu vitamin D nặng. Tỷ lệ mắc cao nhất từ 3 tháng đến 18 tháng tuổi. Tình trạng thiếu hụt xảy ra nhiều tháng trước khi bệnh còi xương có các biểu hiện trên lâm sàng. Và trạng thái thiếu hụt cũng có thể gây ra những cơn co giật do hạ canxi máu, chậm tăng trưởng, hôn mê, kích thích, và trẻ sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn hô hấp cao hơn trong thời kỳ thơ ấu.

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ Vitamin D trong thai kỳ là yếu tố quan trọng trong sự phát triển hệ xương của bào thai. Quá trình tạo men răng và có thể ảnh hưởng tới sự tăng trưởng và phát triển chung của bào thai. Có một số bằng chứng cho thấy tình trạng vitamin D của người mẹ có ảnh hưởng lâu dài đối với trẻ sơ sinh. Những trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn nhưng không được bổ sung thêm vitamin D hoặc không được tiếp xúc đầy đủ với ánh sáng mặt trời có nguy cơ thiếu hụt vitamin D và/hoặc bị bệnh còi xương cao hơn. 

Thiếu vitamin D trẻ dễ bị còi xương

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc xương thông qua cơ chế phân phối canxi và phospho. Vitamin D làm tăng hấp thu canxi và phospho qua đường tiêu hóa. Tại xương, vitamin D cùng hormon cận giáp kích thích chuyển hoá canxi và phospho, làm tăng quá trình lắng đọng canxi của xương.

Lượng vitamin D đầy đủ trong cơ thể là điều kiện thiết yếu để canxi và phospho được gắn trong mô xương. Vitamin D là một chất quan trọng giúp điều hoà cân bằng nội môi của canxi và phospho trong cơ thể. Vitamin D cũng đóng vai trò trong quá trình phân chia tế bào, bài tiết và chuyển hoá các hormone, bao gồm hormone tuyến cận giáp và insulin. Vitamin D cũng có khả năng ảnh hưởng đến sự biệt hoá một số tế bào ung thư như ung thư da, xương, và các tế bào ung thư vú.

Thiếu hụt vitamin D trầm trọng gây ra còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ em, và loãng xương ở người lớn, được đặc trưng bởi tổ chức hữu cơ của xương không được khoáng hoá. Thiếu hụt vitamin D trong thời gian mang thai có liên quan với bệnh tiểu đường do mang thai, tiền sản giật, và thai nhi nhỏ.

Chế độ ăn nghèo canxi sẽ làm tăng dị hóa vitamin D, thiếu vitamin D và còi xương. Những năm gần đây, thiếu vitamin D được quan tâm nhiều ở Châu Á do tỷ lệ còi xương và loãng xương tăng ở nhiều quốc gia. Còi xương và loãng xương là hiện tượng phổ biến.

Các biện pháp phòng chống thiếu vitamin D

Ăn uống đa dạng các loại thực phẩm, sử dụng thực phẩm giàu vitamin D như cá, trứng (lòng đỏ trứng), gan, dầu cá…; Lựa chọn các thực phẩm bổ sung vitamin D như sữa, bột dinh dưỡng cho trẻ em, bột mì, bánh qui, margarin, dầu ăn, ngũ cốc…

Ăn các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua, cá, sữa, và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, bánh flan, phomat …. Cần chú ý canxi trong sữa dễ hấp thụ hơn canxi từ các nguồn thực phẩm khác; cá nhỏ nguyên xương, tôm tép nguyên vỏ mới chứa nhiều canxi.

Bữa ăn cần có đủ dầu, mỡ để tăng hấp thu vitamin D. Ngoài ra chế độ ăn cần có đủ chất đạm, vitamin và khoáng chất (magie, kẽm, tỷ lệ canxi/phospho cân đối…).

Với bà mẹ mang thai và cho con bú, cần thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm (nên trước 9h sáng). Bà mẹ mang thai và cho con bú cần ăn uống đầy đủ. Vào những tháng cuối thai kỳ nên dùng thức ăn có nhiều canxi, vitamin D, phospho.

Hiện nay, bổ sung vitamin D cho bà mẹ trong khi mang thai để phòng chống tiền sản giật và các biến chứng của nó chưa được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị. Ngoài ra, do các bằng chứng hiện có về đánh giá lợi ích và tác hại của việc sử dụng bổ sung vitamin D trong thời gian có thai để cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh còn hạn chế, việc bổ sung vitamin D trong khi mang thai như là một phần của chăm sóc tiền sản cũng chưa được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị.

Trong trường hợp thiếu vitamin D, bổ sung vitamin D hàng ngày có thể theo khuyến nghị của WHO/FAO hoặc theo nhu cầu khuyến nghị cho người Việt Nam năm 2016. Vitamin D có thể được bổ sung đơn lẻ hoặc là một thành phần của chế phẩm đa vi chất dinh dưỡng, để cải thiện nồng độ vitamin D trong huyết thanh mẹ. Cho đến nay, các kết quả nghiên cứu cho thấy lợi ích của can thiệp bổ sung vitamin D cho bà mẹ hoặc cho trẻ sinh ra còn chưa rõ ràng.

Phòng thiếu vitamin cho trẻ nhỏ

Cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ cùng với ăn bổ sung hợp lý đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn với đầy đủ các nhóm thức ăn, ưu tiên các thức ăn giàu canxi, vitamin D (hải sản, bơ, sữa, trứng, dầu gan cá..).

Thường xuyên tắm nắng cho bé là cách tốt nhất để phòng chống thiếu vitamin D. Có thể tiến hành từ tuần thứ 2 sau sinh. Vitamin D có hàm lượng rất thấp trong thức ăn và sữa mẹ (10-20 UI/100ml), vì vậy tắm nắng rất quan trọng cho tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Tắm nắng tuần 3-4 buổi, mỗi buổi 15-20 phút, tốt nhất vào buổi sáng, mùa đông có thể tắm nắng muộn hơn. Ánh nắng chiếu trực tiếp trên bề mặt da, diện tích da hở tối thiểu 30-40%.

Phòng bằng vitamin D là biện pháp phòng có hiệu quả cần chỉ định cho các đối tượng đẻ non, đẻ thấp cân, trẻ phát triển nhanh, không có điều kiện tắm nắng. Từ tuần thứ 2 sau sinh: liều khuyến nghị là 400 đv/ngày cho trẻ dưới 1 tuổi và 600 đv/ngày cho trẻ từ 1 tuổi trở lên hoặc liều 1 lần duy nhất: 100.000 đv cho trẻ dưới 1 tuổi và 200.000 đv cho trẻ trên 1 tuổi nếu không uống thuốc đều hay có vấn đề rối loạn tiêu hóa kéo dài.

(Khuyến nghị dinh dưỡng trong 1000 ngày vàng - Viện Dinh dưỡng)

Theo suckhoedoisong.vn