Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết muối là gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, muối thường được sử dụng với mục đích tăng thêm hương vị cho món ăn hoặc như một chất bảo quản thực phẩm.
Trong sinh hoạt hằng ngày, lượng muối sẽ bị mất đi thông qua các cơ chế bài tiết của cơ thể như tiết mồ hôi, đi vệ sinh, chảy nước mắt… Vì vậy, chúng ta thường bù đắp lượng muối cho cơ thể thông qua thực phẩm và các món ăn.
|
|
Thói quen tẩm ướp nhiều gia vị trước, trong lúc nấu và chấm nước mắm trong bữa ăn gây thừa lượng muối ăn |
Tuy nhiên, khi cung cấp muối cho cơ thể, nhiều người có thói quen ăn mặn, cho muối, gia vị vào thực phẩm khi chế biến, nấu ăn và khi chấm, trộn, dùng trong bữa ăn, dẫn thừa muối cho cơ thể.
'Gánh nặng' cho thận khi ăn mặn
Mặc dù muối rất cần thiết đối với cơ thể nhưng ăn thừa muối lại gây tác hại nghiêm trọng cho sức khỏe của mỗi người đặc biệt gây suy giảm chức năng thận. Thói quen ăn mặn sẽ làm lượng muối natri tích tụ theo thời gian, vượt khỏi khả năng loại bỏ của thận.
"Ăn nhiều muối khiến cơ thể phải thu nạp nhiều nước do khát, dẫn tới tuần hoàn máu đến cầu thận tăng, buộc thận phải làm việc nhiều hơn để lọc máu, về lâu dài sẽ suy giảm chức năng thận, hay còn gọi là suy thận", bác sĩ Hà phân tích.
Việc tiêu thụ quá nhiều lượng muối không chỉ gây ảnh hưởng đến chức năng thận mà còn gây ra một số vấn đề về sức khỏe như tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác.
"Tiêu thụ quá nhiều muối có thể dẫn đến sự tích tụ nước trong cơ thể, gây ra tình trạng phù nề. Muối có thể làm cho thận giữ lại chất lỏng, dẫn đến việc giữ nước hoặc phù nề. Sự lưu giữ này xảy ra bởi vì thận cảm nhận rằng cơ thể cần nhiều chất lỏng hơn để bù đắp cho sự giảm lưu lượng máu. Ngoài ra, mức tiêu thụ natri cao có thể dẫn đến sự mất cân bằng điện giải, một nguyên nhân khác của phù nề", bác sĩ Hà cho hay.
Những cách cắt giảm lượng muối ăn
Bác sĩ Hà cho biết, khi nói ăn thừa muối ở đây được hiểu là để chỉ tất cả các loại gia vị, thực phẩm chứa nhiều natri chứ không chỉ riêng với muối ăn, ví dụ như bột canh, nước mắm, nước chấm, nước tương, chao, dưa, cà muối, cá khô, thực phẩm đóng gói sẵn có nhiều muối…
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn dưới 5 gram muối/người/ngày để bảo vệ sức khỏe. Hiện nay, người Việt Nam đang ăn khoảng 8,1 gram muối/ngày, chủ yếu lượng muối ăn vào từ gia vị dùng trong chế biến.
Do đó, để phòng ngừa suy thận, chúng ta nên giảm lượng muối trong mỗi bữa ăn bằng cách:
Hạn chế sử dụng quá nhiều muối, gia vị, bột canh, nước mắm khi sơ chế, tẩm ướp và chế biến món ăn.
Thay đổi món như hấp, luộc thay cho các món kho, xào, nướng cần tẩm ướp nhiều gia vị mặn.
Sử dụng các hương vị khác khi chế biến thực phẩm như hành, tỏi, gừng, tiêu, chanh... để làm tăng độ thơm ngon khi món ăn chế biến nhạt.
Giảm thiểu nước chấm, muối tiêu, muối ớt, muối tôm khi ăn hoặc pha loãng nước chấm để hạn chế lượng muối trong chế độ ăn uống.
Hạn chế dùng các loại thực phẩm chế biến sẵn có nhiều muối: dưa cà muối, xúc xích, giăm bông, giò chả, thịt xông khói,…
Theo Thanh niên