leftcenterrightdel
 Một trong những triệu chứng phổ biến ở người bị nhiễm COVID-19 là mất khứu giác đột ngột

Một trong những triệu chứng phổ biến ở người bị nhiễm COVID-19 là anosmia, tức mất khứu giác đột ngột. Bệnh nhân bị mất cảm giác về mùi ngay cả khi không bị nghẹt mũi. Tình trạng mất mùi này đôi khi vẫn còn tồn tại sau khi các triệu chứng khác đã hết.

Theo nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng virus đã tấn công vào các tế bào hỗ trợ khác nằm trong khoang mũi, thay vì tấn công trực tiếp lên các tế bào thần kinh giúp phát hiện mùi. Nhưng chính tình trạng viêm do virus gây ra sẽ phá hủy các thụ thể mùi, tức các protein trên bề mặt tế bào thần kinh trong mũi có nhiệm vụ phát hiện và truyền thông tin về mùi.

Tiến sĩ Sandeep Robert Datta - phó giáo sư sinh học thần kinh tại Trường y khoa Harvard - đánh giá nghiên cứu này đã giúp nâng cao đáng kể sự hiểu biết về cách virus SARS-CoV-2 tác động lên các tế bào có vai trò quan trọng đối với khứu giác, mặc dù những tế bào này không bị nhiễm virus trực tiếp.

“Vấn đề rất rõ ràng là, khi các tế bào hỗ trợ trong mũi bị tác động một cách gián tiếp, thì rất nhiều điều tồi tệ cũng sẽ xảy ra. Tình trạng viêm ở các tế bào lân cận gây ra những thay đổi trong các tế bào thần kinh cảm giác, khiến chúng không hoạt động bình thường”, tiến sĩ Datta giải thích.

Trên thực tế, nhiều triệu chứng do COVID-19 gây ra có vẻ là vì hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức khi phải “chiến đấu” với sự xâm nhập của virus, bằng cách sản xuất ra các protein gây viêm (được gọi là cytokine) tràn ngập trong mạch máu. Hiện tượng này thường được các nhà khoa học gọi là “cơn bão cytokine”, vốn có thể làm hỏng mô và các cơ quan của bệnh nhân.

Nghiên cứu này được công bố trực tuyến trên tạp chí Cell vào đầu tháng 2/2022. 

Nhóm nghiên cứu đã khám nghiệm chuột đồng vàng và các mẫu mô người từ 23 bệnh nhân COVID-19 với diễn biến nặng. Sau khi những con chuột bị nhiễm biến thể gốc của SARS-CoV-2, các nhà khoa học đã theo dõi tổn hại hệ thống khứu giác của chúng theo thời gian.

Qua đó, các nhà nghiên cứu đã phát hiện virus không xâm nhập vào các tế bào thần kinh mà chỉ xâm nhập vào các tế bào đóng vai trò hỗ trợ trong hệ thống khứu giác. Nhưng điều đó cũng đủ làm thay đổi chức năng của các tế bào thần kinh gần đó, dẫn đến mất khứu giác.

Marianna Zazhytska - một nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Viện Zuckerman, và là một trong những thành viên đầu tiên của nhóm nghiên cứu - cho biết, phản ứng miễn dịch đã thay đổi cấu trúc của các gen trong tế bào thần kinh, làm gián đoạn việc sản xuất các thụ thể mùi.

Theo phunuonline