1. Một số vụ ngộ độc cà độc dược điển hình
Tối ngày 21/8/2023, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận điều trị cho 5 bệnh nhân trong một gia đình người Dao, trú tại tiểu khu 295, xã Cư M'Lan, huyện Ea Súp, Đắk Lắk bị ngộ độc do ăn cà độc dược chuyển lên từ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp.
Được biết trong tối ngày 21/8, các bệnh nhân cùng ăn cà độc dược, sau ăn các bệnh nhân bị nôn ói, co giật, sốt.
Tháng 7/2020, trên địa bàn xã Võ Lao, huyện Văn Bàn (tỉnh Lào Cai) xảy ra vụ ngộ độc cà độc dược. Gia đình tổ chức bữa ăn cơm gia đình gồm 11 người. Tuy nhiên, trong bữa ăn chỉ có 3 người ăn món ngọn cà độc dược luộc vì cho rằng đây là loại thuốc có thể chữa được một số bệnh. Sau khi ăn khoảng 30 phút, cả 3 người này xuất hiện các triệu chứng buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, đau bụng, tê bì chân tay, tê lưỡi, không làm chủ vận động, nói nhảm và được đưa vào Bệnh viện đa khoa huyện Bảo Thắng và Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai điều trị.
Năm 2017, có 7 người ở Thái Bình phải nhập viện cấp cứu sau khi uống rượu ngâm cà độc dược mua ở Lạng Sơn, các bệnh nhân có biểu hiện tăng nhịp tim, vã mồ hôi, giãn đồng tử, khô môi, khô miệng, chảy nước mắt, lơ mơ.
Ngày 19/3/2016, một gia đình ở xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa ăn phải hoa cà độc dược khiến 4 người phải nhập viện cấp cứu.
Ngày 21/7/2014, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi cấp cứu cho 6 người trong một gia đình trú tại thôn Mang Hin, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) bị ngộ độc do ăn cà độc dược sau vườn nấu canh ăn. Sau khi ăn, cả 6 người đều có dấu hiệu rối loạn tinh thần, nói năng mất tự chủ, đồng thời có hiện tượng mắt không nhìn thấy gì.
2. Nhận diện cây cà độc dược
Cà độc dược còn gọi là cà diên, cà dược, độc giã, sùa tùa (Mông), Plờn (Kho), cà lục lược (Tày), hìa kía piếu (Dao) hay mạn đà la. Tên khoa học: Datura metel L., Solanaceae (họ Cà).
Đây là loại cây thân thảo cao từ 1 đến 2 m, thân và cành non có màu xanh lục hay tím, có nhiều lông tơ ngắn. Lá đơn nguyên hình trứng nhọn, gốc phiến lá không đều (lệch). Hoa to, mọc đứng, đơn độc, đài hoa liền nhau hình ống, màu xanh, cánh hoa màu trắng hay phớt tím, dính liền nhau thành hình phễu. Hoa mọc đơn độc ở nách lá. Cánh hoa màu trắng hoặc trắng tím, dài 16–18 cm. Quả hình cầu có màu lục, đường kính khoảng 3 cm, có nhiều gai mềm, khi chín vỏ nứt ngang, dọc làm 4. Hạt nhiều nhăn nheo và có màu nâu nhạt.
3. Vị thuốc từ cà độc dược
Cà độc dược là một vị thuốc được ghi nhận trong y văn. Cây thường mọc ở những nơi đất hoang, đất mùn, hơi ẩm, nhiều nhất ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Một số nơi trồng làm cảnh hoặc dùng làm thuốc.
Ở nước ta có 3 loại cà độc dược: Cây cà độc dược với hoa trắng thân xanh, cành xanh (Datura metel L. forma alba), cây cà độc dược với hoa đốm tím, cành và thân tím (Datura metel L. forma violacea) và dạng lai của hai dạng trên.
Về tác dụng chữa trị của cà độc dược, các y văn đều ghi công dụng, chỉ định và phối hợp là hoa cà độc dược được dùng trị một số bệnh như: ho, suyễn, ngực bụng lạnh đau, phong thấp đau nhức, cước khí (sưng chân), đau dây thần kinh toạ, động kinh, lòi dom...
Theo tài liệu của Trường Đại học Y Dược, TP. HCM, tuyệt đối không sử dụng chế phẩm từ cà độc dược cho các bệnh nhân tăng nhãn áp (thiên đầu thống) do thành phần atropin có trong cà độc dược làm cơ vòng của mắt giãn ra nên đồng tử giãn, nhãn cầu dẹt lại, áp lực mắt tăng lên.
4. Tuyệt đối không ăn cà độc dược
Theo nhà nghiên cứu dược học nổi tiếng GS.TS Đỗ Tất Lợi, trong cây cà độc dược có 2 hoạt chất đó là hyoxin và atropin, có trong lá, hoa và thân cây. Atropin tác động lên não làm say, có khi làm nạn nhân phát điên, hô hấp tăng, sốt, nổi cuồng, có lúc tê liệt tứ chi do thần kinh trung ương bị ức chế. Còn hyoxin ức chế thần kinh nhiều hơn là kích thích.
Theo GS.TS Võ Văn Chi, tác giả cuốn "Từ điển cây thuốc Việt Nam" ít người biết rằng cây cà độc dược có chứa scopolamine gây ảo giác. Cà độc dược, cà độc dược gai tù, cà độc dược lùn đều có thể gây ảo giác, mất tri thức tạm thời nếu tiếp xúc hoặc nuốt chúng, GS.TS Võ Văn Chi khuyến cáo.
Scopolamine là một chất độc tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật Scopolia, thực vật thuộc họ Solanaceae. Scopolamine có tác dụng đối với cơ thể bao gồm giảm bài tiết, làm chậm co bóp dạ dày và ruột, giảm buồn nôn, nôn, chóng mặt do say tàu xe... Nhưng cần lưu ý scopolamine còn có nhiều tác dụng không mong muốn như tác dụng gây mê và có khả năng làm mất trí, đưa người ta vào trạng thái thôi miên được mệnh danh là "hơi thở của quỷ" do tác dụng gây mê, gây ảo giác, mất trí nhớ và thôi miên.
Theo GS.TS Võ Văn Chi, cà độc dược là một vị thuốc tốt nhưng cũng có tính độc. Do đó người dân không nên tùy ý sử dụng mà phải tuân thủ các hướng dẫn của thầy thuốc Đông y giàu kinh nghiệm. Tuyệt đối không dùng cà độc dược để chế biến thức ăn. Tránh để trẻ nhỏ tiếp xúc với các bộ phận của cây phòng trường hợp trẻ nghịch ngợm cho vào miệng nhai dễ gây ngộ độc.
Hiện nay trên một số trang mạng có rao bán các sản phẩm cà độc dược sấy khô, tuy nhiên người tiêu dùng nên thận trọng khi mua và sử dụng đúng hướng dẫn vì cà độc dược là một vị thuốc Đông y tốt, chữa được nhiều tình trạng bệnh lý, nhưng cần chú ý dùng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc Đông y có nhiều kinh nghiệm, không nên tự ý dùng hoặc dùng sai chỉ định có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Cần bỏ ngay quan niệm cà độc dược là vị thuốc nên chế biến món ăn hoặc ngâm rượu uống cũng tốt cho sức khỏe.
Theo suckhoedoisong.vn