Mối liên hệ giữa ruột và não
Tiến sĩ Roy Patankar, Giám đốc kiêm bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Zen (Ấn Độ) cho biết, ruột có các tế bào thần kinh được kết nối với não thông qua các dây thần kinh trong hệ thần kinh. Ruột và não của bạn cũng được kết nối thông qua các chất hóa học được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Các chất dẫn truyền thần kinh được sản xuất trong não chịu trách nhiệm kiểm soát cảm xúc và cảm giác.
Các vi khuẩn đường ruột có xu hướng sản xuất ra một chất dẫn truyền thần kinh gọi là axit gamma-aminobutyric (GABA), có tác dụng kiểm soát cảm giác sợ hãi và lo lắng. Do đó, đường tiêu hóa rất nhạy cảm với những cảm xúc như tức giận, lo lắng, buồn bã, phấn khích.
Những cảm xúc nào có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa?
Lo lắng
Cảm giác lo lắng là một trong những cảm xúc phổ biến nhất có thể gây ra các vấn đề về dạ dày. Nếu bạn quá lo lắng do một tình huống nào đó, điều này có thể làm mất cân bằng đường ruột và gây ra cảm giác buồn nôn.
Căng thẳng
Căng thẳng khiến thực quản bị co thắt và làm tăng axit trong dạ dày, dẫn đến chứng khó tiêu. Nếu bạn bị căng thẳng kéo dài, điều này có thể dẫn đến tiêu chảy và táo bón, đầy hơi, đi vệ sinh thường xuyên và chán ăn. Căng thẳng có xu hướng làm trầm trọng thêm bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), loét dạ dày tá tràng và hội chứng ruột kích thích (IBS).
Sự tức giận
Sự tức giận quá mức có thể liên quan đến một số vấn đề sức khỏe như đau đầu, mất ngủ, đau bụng và các vấn đề về tiêu hóa. Hầu hết những người có vấn đề về kiểm soát cơn tức giận thường bị các bệnh về dạ dày.
Trầm cảm
Nếu thường xuyên cảm thấy đau bụng, hoặc gia tăng cảm giác đau bụng khi căng thẳng xuất hiện thì có thể đây là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu của Trường Y Harvard cho rằng tình trạng khó chịu ở dạ dày như co thắt, đầy hơi và buồn nôn có thể là dấu hiệu của sức khỏe tâm thần kém.
Trầm cảm chắc chắn có thể phá vỡ sức khỏe đường ruột và có thể dẫn đến tiêu chảy, táo bón, ăn quá nhiều hoặc chán ăn, tiến sĩ Roy Patankar cho biết.
Theo laodong