Vì sao đột quỵ não ở người trẻ gia tăng?
Cập nhật lúc 23:32, Thứ ba, 02/07/2024 (GMT+7)
Mặc dù trước đây đột quỵ thường được xem là bệnh lý của người cao tuổi nhưng những năm gần đây tần suất mắc bệnh ở người trẻ từ 18-45 tuổi tăng lên đáng kể. Năm 2022 có đến 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi 15-49.
Theo bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Huyền - Khoa Hồi sức cấp cứu nội tim mạch - Bệnh viện Tim Tâm Đức (TP.HCM), đột quỵ não còn được gọi là tai biến mạch máu não. Bệnh xảy ra do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn đột ngột gây nhồi máu não hoặc bị phá vỡ gây xuất huyết não, hậu quả làm tế bào não bị thiếu máu nuôi, thiếu oxy cấp tính. Nếu không được tái tưới máu kịp thời thì các tế bào não sẽ dần chết đi gây nên tàn tật vĩnh viễn, thậm chí là tử vong.
|
|
Đôi khi chỉ là một cơn đau đầu, nặng ngực thoáng qua khiến người trẻ chủ quan về sức khỏe |
Mặc dù trước đây đột quỵ thường được xem là bệnh lý của người cao tuổi nhưng những năm gần đây tần suất mắc bệnh ở người trẻ từ 18-45 tuổi tăng lên đáng kể, đây là nguyên nhân thứ 5 gây tàn tật cho người trẻ. Theo thống kê của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) năm 2022 có đến 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi từ 15-49 và theo đó trong 6,5 triệu trường hợp tử vong do đột quỵ thì người trẻ chiếm đến 6%.
Nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ
Yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh lý đột quỵ nói chung là tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa mạch máu. Những nguyên nhân này có thể xuất hiện ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng chiếm đa số vẫn là người cao tuổi.
Mặt khác, nguyên nhân gây đột quỵ ở người trẻ lại có chút khác biệt do sự đa dạng về lối sống và các thói quen hằng ngày. Theo ước tính gánh nặng toàn cầu về bệnh tật 2019 thì có đến 47% gánh nặng đột quỵ có liên quan đến các thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, tình trạng béo phì và đặc biệt là tỷ lệ này ngày càng gia tăng ở người trẻ.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ kể trên thì các bất thường bẩm sinh về tim mạch, đặc biệt là rung nhĩ, bệnh lý huyết học gây tăng đông máu hoặc dị dạng mạch máu não mà không được khám và phát hiện sớm cũng là những nguyên nhân khiến tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ gia tăng.
Sự phát triển bất thường mạch máu não như phình mạch máu não ban đầu thường không biểu hiện rõ về triệu chứng, đôi khi chỉ là một cơn đau đầu, nặng ngực thoáng qua khiến người trẻ chủ quan về sức khỏe. Về lâu dài, khối phình mạch máu phát triển lớn dần và vỡ gây xuất huyết não hoặc huyết khối hình thành từ rung nhĩ ở tim trôi lên mạch máu não gây thuyên tắc dẫn đến nhồi máu não.
|
|
Khi thấy có triệu chứng bất thường về sức khỏe, cần đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất |
Cách phòng ngừa đột quỵ
Để phòng ngừa đột quỵ, bác sĩ Huỳnh Thị Ngọc Huyền cho biết cần tuyên truyền, giáo dục giới trẻ sớm hình thành các thói quen sống tích cực như: Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, chất kích thích và có chế độ ăn uống, vận động phù hợp; Tầm soát các yếu tố nguy cơ như bệnh lý tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường và các bất thường mạch máu bẩm sinh; Người đã có bệnh lý huyết áp, tiểu đường và rối loạn lipid máu cần uống thuốc và tái khám đầy đủ để có sự điều chỉnh phù hợp.
Đặc biệt, điều quan trọng là nhận biết triệu chứng sớm của đột quỵ như: Đột ngột yếu tay chân, nói ngọng, nói khó, đau đầu, chóng mặt, giảm thị lực..., lúc này cần chuyển người bệnh đến cơ sở y tế ngay lập tức. Trong đa số trường hợp, việc xử lý nhanh chóng có thể giảm thiểu tổn thương và cải thiện triệu chứng.
Triệu chứng đột quỵ
Nhận diện nhanh triệu chứng F.A.S.T và ngay lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Face (mặt): Mặt bệnh nhân bị kéo lệch sang một bên, không cân đối, uống nước bị chảy sang một bên ra ngoài.
Arm (tay): Người bệnh đột ngột bị tê, yếu hoặc liệt một bên tay, chân, cử động khó khăn so với bên còn lại.
Speech (giọng nói): Người bệnh đột ngột nói khàn giọng, nói khó, phát âm không rõ hoặc nói nội dung không thích hợp.
Time (thời gian): Khi một người có những triệu chứng trên thì rất có thể họ đã bị đột quỵ, vì vậy hãy gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất có khả năng điều trị bằng phương tiện phù hợp.
|