Ăn quá nhiều là tình trạng mà một người nạp lượng lớn thực phẩm trong một bữa ăn. Lượng calo trong bữa này vượt quá ngưỡng cần thiết để cơ thể hoạt động, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Vì sao không nên ăn đến mức no căng bụng? - ảnh 1

Ăn quá nhiều trong một bữa có thể gây các vấn đề sức khỏe khó chịu như đầy hơi, uể oải, khó ngủ hoặc trào ngược a xít dạ dày

SHUTTERSTOCK

Thông thường, cách ăn uống này sẽ tạo cảm giác no đến rất no. Cảm giác no có thể khiến mọi người cảm thấy thỏa mãn nhưng nó thực sự không tốt cho sức khỏe.

Ăn quá nhiều có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe như đầy hơi, uể oải, khó ngủ hoặc trào ngược a xít dạ dày. Nếu bạn thường xuyên ăn no và bị tăng cân thì hãy áp dụng cách ăn của người Nhật gọi là Hara hachi bu, tức là ăn chỉ khoảng 80% so với mức đầy bụng.

Nói cách khác, bạn nên ăn một lượng thức ăn mà mình cảm thấy không đến mức no. Cách tốt để tránh ăn nhiều đến mức no căng bụng là hãy ăn chậm, ăn một cách từ từ và cảm nhận dạ dày.

Khi chúng ta ăn, dạ dày sẽ bắt đầu nở ra. Ăn càng nhiều thì dạ dày sẽ càng giãn nở. Các thụ thể trong dạ dày sẽ gửi tín hiệu đến não qua dây thần kinh phế vị nối ruột với thân não. Tín hiệu sẽ báo cho não biết dạ dày đã no.

Tuy nhiên, chúng ta ăn càng nhanh thì càng có ít thời gian để tín hiệu này gửi đến não. Nói cách khác, nếu chúng ta ăn quá nhanh, lượng thức ăn nạp vào dạ dày nhiều nhưng não chưa kịp nhận tín hiệu no. Hệ quả là vẫn tiếp tục ăn và ăn nhiều quá mức cần thiết.

Ăn quá nhiều, nhất là các món có nhiều đường, tinh bột và chất béo, sẽ làm dư thừa năng lượng và khiến cơ thể tích lũy nhiều mỡ thừa. Mỡ thừa làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như đau tim, đột quỵ, thậm chí làm suy giảm chức năng não.

Thay vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo mọi người hãy ăn chậm, ăn từng phần nhỏ một cách từ từ thay vì ngấu nghiến một dĩa lớn, theo Healthline.

Theo Thanh niên