Ăn lạnh hay nóng tác động đến tủy răng thông qua dịch trong ống ngà, dẫn đến ê buốt răng.
Từ 7h mỗi ngày, hàng lang khoa Răng Hàm Mặt tại Bệnh viện Quận 2 (TP HCM) đông nghịt người ngồi chờ đến lượt khám. Vì sợ cảnh chen chúc, chị Thu Hòa đến từ 6h nhưng phải chờ hơn 10 người mới đến lượt mình. Đây là lần thứ ba chị đến bệnh viện chữa tủy răng. Ban đầu khi răng có dấu hiệu ê buốt, chị chủ quan nghĩ chỉ là triệu chứng bình thường, không đáng lo ngại. Công việc bận rộn và chăm sóc gia đình khiến chị bỏ qua nỗi đau âm ỷ. Chỉ đến khi những cơn ê buốt đến tận não diễn ra liên tục và không thể ăn uống ngon miệng, chị mới tìm đến Nha sĩ.
Bác sĩ nói chị Hòa là một trong những trường hợp đến khá trễ, khi tình trạng răng đã trở nặng khiến tủy bị tổn thương, phải tiến hành chữa tủy rồi mới trám lại răng. May mắn hơn chị Hòa, cô Kiều Nhi (52 tuổi, quận 2) đến khám ở giai đoạn sớm nên chỉ cần dùng kem đánh răng chuyên dụng dành cho răng ê buốt. Sau hai tuần, cô không thấy khó chịu nữa.
Cơ chế hoạt động của kem đánh răng chuyên dụng giúp che phủ ngà răng bị lộ để ngăn ê buốt
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lâm Đại Phong - Tốt nghiệp tại Đại học Y nha Tokyo (Nhật Bản) cố vấn chuyên môn tại Bệnh viện quận 2, cuộc sống ngày càng cải thiện, nhiều người dần ý thức bảo vệ sức khỏe răng miệng, đi khám thường xuyên khi răng có dấu hiệu nào đó. Cô Kiều Nhi là trường hợp phát hiện sớm, ngay lúc thấy buốt răng khi uống nước đá và ăn đồ nóng, cô liền đi nha sĩ để hỏi kỹ tình trạng mình mắc phải và cách khắc phục.
Cũng trên hàng ghế bệnh nhân, chị Hà An (34 tuổi) chờ đến lượt trồng răng mới. Chị từng trải qua nỗi đau ê buốt răng hàm trên, nhưng vì lơ là chữa trị, răng bị chết tủy, đến mức phải nhổ đi khi còn ở quê. Vì sợ các răng khác xô lệch, khớp cắn không khít và chạy răng, chị phải trồng răng mới. Bên cạnh đó có rất nhiều người bị nha chu, viêm nướu cần được hỗ trợ từ Nha sĩ.
Bác sĩ Phong cho biết khoảng 80% đối tượng trong độ tuổi 20-40 đang chịu nỗi đau ê buốt răng. Bệnh lý này xảy ra khi một phần men răng (thường là ở khu vực cổ chân răng) bị mòn, làm lộ phần ngà răng bên trong. Trong ống ngà có chứa dịch ngà, khi lộ ra dễ bị các tác nhân bên ngoài (thực phẩm nóng, lạnh hay các hoạt động nhai, chải răng) tác động trực tiếp đến dịch ống ngà, rồi tác động lên dây thần kinh trong tủy răng, từ đó gây ra cảm giác ê buốt. Để giải quyết tình trạng này, bác sĩ sẽ sử dụng biện pháp làm dịu dây thần kinh hoặc trám lại ngà răng bị lộ.
Nguyên nhân thường bắt nguồn từ việc chải răng không đúng cách, cọ xát quá mạnh khi chải, dùng bàn chải có lông cứng, chà ngang... Ngoài ra còn do thói quen sử dụng đồ ăn, thức uống có tính axit cao, làm mòn men răng, kết hợp với mòn cơ học dẫn đến lộ ngà. Do đó, răng bị ê buốt khi gặp các kích thích tố như nóng, lạnh, chua, ngọt... Trong điều kiện sống hiện đại, đồ ăn thức uống chứa các kích thích tố nêu trên chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ người có răng ê buốt tăng cao.
Những người bị ê buốt răng phải từ bỏ những món yêu thích, chứa nhiều vitamin có lợi cho sức khỏe như hoa quả, nước trái cây có vị chua vì gây khó chịu khi ăn. Không ít người phải thay đổi thói quen như ăn chậm, cắn thành nhiều miếng nhỏ, tránh không chạm vào răng đau hay che miệng khi ăn, bởi sợ làm răng đau. Ê buốt răng khiến nhiều người ngại chải răng kỹ nên dễ dẫn đến các bệnh lý răng miệng khác như sâu răng, nha chu...
"Ê buốt răng có nhiều tác hại hơn mọi người vẫn nghĩ. Không chỉ giảm sức nhai, ăn uống không ngon miệng, nó còn gây xáo trộn cảm xúc, dễ tức giận, ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và về lâu dài không tốt cho sức khỏe", bác sĩ Phong nói.
Nếu chỉ bị mòn men răng, nghĩa là chỉ buốt nhẹ khi ăn nóng, uống lạnh hay nhai thức ăn, bác sĩ thường khuyên người bệnh nên dùng kem đánh răng dành riêng cho răng ê buốt, đây là giải pháp đơn giản mà hiệu quả nhất.
Theo bác sĩ Phong, các hợp chất, công nghệ có trong kem đánh răng chuyên dụng có thể giảm ê buốt bảo vệ và hồi phục răng. Trong đó, thành phần Potassium Nitrate có nhiệm vụ làm dịu dây thần kinh, giảm ê buốt; Strontium Acetate có thể giúp bít các ống ngà bị lộ và ngăn các tác nhân bên ngoài tác động lên dây thần kinh trong răng. Công nghệ Novamin tạo ra cơ chế bao phủ vùng răng bị tổn thương bằng cách hình thành lớp bảo vệ với cấu trúc tương tự men răng, che phủ ngà răng bị lộ giúp không ngừng phục hồi và bảo vệ răng ê buốt.
Nếu sau khoảng hai tuần dùng kem đánh răng chuyên dụng vẫn không giảm đau nhức, ê buốt sẽ được thoa thuốc tại chỗ để bít ống ngà bị lộ. "Trường hợp xấu nhất là ảnh hưởng tủy, người bệnh có thể cần phải đến bệnh viện hay phòng khám để chữa tủy một hoặc nhiều lần, sau đó mới trám lại răng. Trong một số trường hợp việc chữa tủy có thể không thành công, hoặc trong điều kiện không cho phép, việc nhổ răng là điều không mong muốn cũng có thể xảy ra. Điều này là điều không ai thích chút nào, vì tâm lý ngại nhổ răng cũng như hệ quả đi sau khi mất răng xảy ra", ông chia sẻ.
Dây thần kinh trong tủy răng khi bị kích thích
Nha sĩ khuyên mọi người không nên coi thường những cơn đau nhức, ê buốt răng. Về lâu dài có thể ảnh hưởng sức khỏe răng miệng - cửa ngõ nạp năng lượng cho cả cơ thể. Để bảo vệ răng, mọi người nên thay đổi chế độ ăn uống, nhai đều hai bên, không ăn đồ quá cứng và ăn chậm, nhai kỹ. Nên dùng bàn chải mềm để chải răng, chú ý chải theo chiều dọc để làm sạch các kẽ răng. Đồng thời dùng kem đánh răng chuyên dụng để ngừa tình trạng ê buốt, đau nhức.
Ngoài ra, mọi đối tượng, từ già đến trẻ, nam hay nữ nên ý thức chăm sóc răng miệng bằng cách đi khám định kỳ 3-6 tháng một lần. Ngay khi thấy dấu hiệu ê buốt, viêm nướu hay nha chu phải lập tức chữa trị để không ảnh hưởng đến toàn bộ răng.
Theo
vnexpress