Vì sao không nên mang kính áp tròng khi tắm?
Cập nhật lúc 15:21, Thứ ba, 17/09/2024 (GMT+7)
Giống như các loại kính có gọng, kính áp tròng cũng giúp điều chỉnh thị lực ở người có tật khúc xạ. Tuy nhiên, khi đeo kính áp tròng, có một số điều mà người dùng cần phải tuân thủ, trong đó có việc tránh xa nước. Đây là lý do vì sao mà các chuyên gia khuyến cáo khi tắm hay bơi thì không nên mang kính áp tròng.
So với kính gọng thì đeo kính áp tròng tiện lợi hơn rất nhiều, đặc biệt khi chơi các môn thể thao đòi hỏi va chạm mạnh. Tuy nhiên, có một số hoạt động mà khi đang đeo kính sẽ không được thực hiện vì có thể gây nguy hiểm cho mắt. Chẳng hạn, tắm khi mang kính áp tròng có thể làm tăng nguy cơ bị mắc một số loại nhiễm trùng mắt, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Loại nhiễm trùng đầu tiên cần nhắc đến là viêm giác mạc. Đây là tình trạng viêm nhiễm xảy ra trên bề mặt giác mạc. Nếu không điều trị kịp thời thì có thể gây mất thị lực vĩnh viễn và buộc phải ghép giác mạc.
Tác nhân thường gặp gây viêm giác mạc là các loại vi khuẩn như Pseudomonas, Staphylococcus hay Streptococcus. Các loại vi khuẩn này có thể xuất hiện trong nhiều nguồn nước khác nhau.
Khi dùng kính áp tròng, đôi khi kính sẽ bị bẻ cong và gây trầy xước giác mạc. Nếu tắm trong nguồn nước có vi khuẩn thì vi khuẩn sẽ xâm nhập vào giác mạc qua các vết xước này và gây nhiễm trùng.
Ngoài ra, viêm giác mạc còn có thể do nấm và virus. Các loại nấm gây viêm giác mạc thường gặp là Aspergillus , Fusarium và Candida, trong khi virus là herpes simplex, varicella-zoster và adenovirus. Trong trường hợp hiếm gặp, mang kính áp tròng khi tắm còn có thể gây viêm giác mạc do Acanthamoeba, một loại sinh vật đơn bào xuất hiện phổ biến trong nước, không khí và đất. Loại viêm giác mạc này hiếm gặp và nguy hiểm.
Các triệu chứng thường gặp khi bị viêm giác mạc gồm đau và kích ứng mắt dữ dội, cảm giác cộm và đỏ mắt, chảy nhiều nước mắt, mờ mắt và nhạy cảm với ánh sáng. Ngay khi bạn bắt đầu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nhiễm trùng nào thì cần phải lập tức tháo kính áp tròng và không đeo lại. Nếu cần phải nhìn rõ thì đeo kính gọng. Hãy lập tức đến bác sĩ nhãn khoa và nhớ mang theo kính áp tròng để bác sĩ kiểm tra.
Để giảm nguy cơ nhiễm trùng mắt, người mang kính áp tròng không bao giờ được mang kính khi tắm hay bơi. Lúc ngủ, kính áp tròng cũng cần được tháo ra. Khi rửa kính thì luôn phải dùng dung dịch vệ sinh phù hợp, không được dùng nước máy để rửa, theo Healthline.
Theo Thanh niên