Ngày 9.12, Hội Tế bào gốc TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tế bào gốc lần thứ 11 với chủ đề: Xu hướng phát triển tế bào gốc trong tương lai. Có nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế tham gia, chia sẻ.
Tế bào gốc không phải chìa khóa vạn năng
Chia sẻ với báo chí trước hội nghị, thạc sĩ-bác sĩ Lê Thị Bích Phượng, Phó chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM (phụ trách mảng ứng dụng tế bào gốc), đặt vấn đề, tế bào gốc thật sự là gì và có đáng tin cậy hay không. Theo bác sĩ Phượng, coi tế bào gốc như một công cụ điều trị thì nếu đúng chỉ định, đúng người bệnh và đúng về cơ chế bệnh sinh thì tế bào gốc sẽ phát huy được hết vai trò.
|
Các chuyên gia về tế bào gốc chia sẻ trước hội nghị
|
Còn nếu hiểu tế bào gốc giống như một công cụ vạn năng, tức đã “thần thánh hóa”, nếu quá trông cậy vào tế bào gốc thì có thể đâu đó thấy thất bại vì đã định nghĩa sai ngay từ đầu.
PV Thanh Niên đặt câu hỏi: Ai sẽ là là người chỉ định điều trị tế bào gốc, và điều trị tế bào gốc ở đâu? Chuyên gia về tế bào gốc PGS-TS-BS Nguyễn Đình Tùng cho rằng, ai là người chỉ định sử dụng tế bào gốc là rất quan trọng, nó quyết định liệu pháp điều trị. Hiện nay chúng ta làm theo quy định của Bộ Y tế, chỉ làm ở cơ sở được phép và theo tiêu chuẩn của FDA (Mỹ).
Nhận biết tế bào gốc thật, giả
PV Thanh Niên đặt vấn đề: hiện nay thị trường tế bào gốc bát nháo, làm sao người dân phân biệt được tế bào gốc thật và giả?
Theo bác sĩ Phượng, khi sử dụng tế bào gốc trên người bệnh thì phải có bộ tiêu chuẩn cơ sở của sản phẩm. Tiêu chuẩn đó được Hội Tế bào gốc thế giới định nghĩa rõ, trước khi đưa vào người bệnh, đầu tiên phải đảm bảo an toàn.
“Khi đến một cơ sở nào đó để được tư vấn điều trị tế bào gốc thì người dân hãy là một khách hàng thông thái. Hãy hỏi tiêu chuẩn cơ sở nào để nhận biết đó là tế bào gốc? Quá trình sản xuất tế bào gốc như thế nào? Cơ chế của tế bào gốc đánh vào bệnh đó như thế nào? Ức chế miễn dịch, ức chế viêm hay tăng sinh, tái tạo… ra sao? Nếu nhà lâm sàng chỉ định đúng bệnh và trả lời được những câu hỏi đó thì có thể tin được”, bác sĩ Phượng trả lời.
Còn ngoài ra, nếu đơn vị (hoặc người) tư vấn với lập luận mà người dân không cảm thấy chắc chắn, không đưa ra được minh chứng tế bào gốc thật thì quyền quyết định có điều trị hay không là ở người dân.
Cảnh giác với tế bào gốc nước ngoài
Theo ông Phan Thanh Hào, Ủy viên BCH Hội Tế bào gốc TP.HCM, ngày xưa, người ta đã có ước muốn trẻ mãi không già; ước muốn làm sao con người trẻ lại hay kéo dài tuổi thọ. Do đó, bên cạnh tiếp nhận công nghệ trong nước thì các đơn vị mua công nghệ của nước ngoài để ứng dụng trên lâm sàng chống lão hóa, giúp khỏe mạnh, nâng cao hệ miễn dịch. Qua các hội nghị tế bào gốc, các chuyên gia Việt Nam sẽ tiếp cận dần công nghệ tế bào gốc thế giới, để người dân không còn phải ra nước ngoài điều trị mà tiếp cận được nền tế bào gốc tiên tiến trên thế giới tại Việt Nam.
Nhưng, chuyên gia tế bào gốc cũng cảnh báo, tế bào gốc từ nước ngoài về thì "vô thưởng vô phạt”, vì đâu thể biết rõ nguồn gốc và sản xuất như thế nào mà tiêm vào người thì cực kỳ nguy hiểm. Việc sử dụng tế bào gốc từ nước ngoài trên người Việt Nam thì phải hết sức cân nhắc, phải nghiên cứu và được Bộ Y tế đồng ý.
Hội nghị tế bào gốc lần thứ 11 có sự tham dự chủ trì của PGS-TS-BS Trần Công Toại, Chủ tịch Hội Tế bào gốc TP.HCM; PGS-TS Nguyễn Văn Thuận, Phó chủ tịch Hội (Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc tế); PGS-TS Trần Lê Bảo Hà, Trưởng Bộ môn Công nghệ sinh học, Trường Đại học KHTN và các chuyên gia quốc tế.
Theo các chuyên gia, tế bào gốc được gọi là “phát hiện của thế kỷ” với nhiều ứng dụng vào y sinh học, thẩm mỹ. Nhiều căn bệnh nguy hiểm liên quan đường hô hấp, một số loại ung thư, các bệnh về xương khớp… đã được ứng dụng tế bào gốc để điều trị thành công. Trong tương lai, tế bào gốc được dự đoán sẽ tiếp tục mang đến nhiều ứng dụng bất ngờ hơn nữa khi các chuyên gia đang nghiên cứu thêm những tác động của phương pháp này và thu lại nhiều tín hiệu khả quan.
|
Theo Thanh niên