Tuần gần đây nhất, bệnh viện ghi nhận khoảng 800 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám. Nhiều bệnh nhân khám do đau mắt lâu ngày không khỏi. Một số có giả mạc, mắt sưng húp, trong đó có các trẻ nhỏ, khiến gia đình và người bệnh lo lắng.

Vì sao nên ngủ riêng, cách ly tương đối khi đau mắt đỏ? - Ảnh 1.

Đau mắt đỏ rất dễ lây khi tiếp xúc gần

SHUTTERSTOCK

Bác sĩ Cương lưu ý, đau mắt đỏ lây qua tiếp xúc, rất dễ lây qua đường tay - mắt. Tay bệnh nhân chạm vào mắt, nhiễm chất tiết có virus, rồi chạm vào các vật dụng khác (tay nắm cửa, nút bấm thang máy…) vương vãi mầm bệnh. Người khác chạm phải các vật dụng sẽ nhiễm virus và đưa tay lên mắt, dễ mắc bệnh.

Do đó, không nên đưa tay lên mắt, dụi mắt. Cần giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt nên vệ sinh tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn tay.

Bác sĩ Cương cũng hướng dẫn, khi đau mắt đỏ nên cách ly tương đối và tránh ngủ chung, do người lành dễ tiếp xúc với dịch tiết từ mắt của người bị đau mắt đỏ qua chăn, gối. Nước bọt của bệnh nhân đau mắt đỏ cũng có virus, nên khi ôm hôn, tiếp xúc gần cũng là cách lây virus gây bệnh. 

Bác sĩ nhãn khoa cũng cho biết, các địa điểm công cộng như siêu thị, rạp phim dễ lây nhiễm virus đau mắt đỏ, vì đó là không gian có mật độ người cao. Ở khoảng cách gần (từ 1 mét) đã có thể bị lây nhiễm virus gây đau mắt đỏ. Vì virus có trong nước bọt, có thể bắn ra khi ho, hắt hơi hoặc cười, nói trong khi mọi người đang dần bỏ thói quen đeo khẩu trang.

Bể bơi cũng là môi trường có thể lây, nhiễm bệnh đau mắt đỏ. Vì khi bơi virus từ mắt sẽ lẫn trong nước bể bơi. Trong khi hóa chất khử khuẩn nước bể bơi có thể không đủ nồng độ để diệt virus.

Do đó, khi bị đau mắt đỏ không đi bơi, tránh làm lây virus gây bệnh cho người khác.

Theo Thanh niên