Thận có chức năng chính là lọc chất thải khỏi máu, cân bằng chất lỏng, huyết áp, đồng thời đào thải thuốc ra khỏi cơ thể. Do đó, bệnh thận có thể là đảo lộn cuộc sống người mắc, theo chuyên trang dinh dưỡng và sức khỏe Eat This, Not That! (Mỹ).

Vì sao người có vấn đề về thận cần hạn chế uống nước ngọt? - ảnh 1

Uống nhiều nước ngọt có đường có thể gây hại cho sức khỏe thận

SHUTTERSTOCK

Thiết lập chế độ ăn lành mạnh, tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh thận. Với những người muốn chăm sóc sức khỏe thận bằng chế độ ăn uống thì cần phải hạn chế uống các loại nước soda, trong đó có nước ngọt có gas.

Một trong những vấn đề đáng ngại nhất với thận là hàm lượng đường trong nước ngọt có gas. Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy uống nhiều hơn 4 lon nước ngọt có gas mỗi tuần có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận mạn tính.

Không chỉ nước ngọt có gas mà bất kỳ món ăn có nhiều đường cũng đều làm tăng đường huyết. Đường huyết tăng cao trong thời gian dài có thể phá hỏng các mạch máu trong thận, làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận.

Một thành phần khác có trong nhiều loại soda là axit photphoric. Nghiên cứu cho thấy các loại soda (nước ngọt) chứa axit photphoric có thể làm thay đổi thành phần nước tiểu, tăng nguy cơ sỏi thận và bệnh thận mạn tính. Do đó, khuyến nghị của nhiều cơ quan y tế là yêu cầu người bị sỏi thận hoặc bệnh thận cần tránh uống soda. Ngay cả với những người khỏe mạnh thì uống 2 lon soda/ngày trở lên cũng làm tăng rủi ro phát triển bệnh thận mạn tính.

Muốn duy trì sức khỏe thận, thay vì uống soda thì hãy ưu tiên nước lọc. Uống nhiều nước sẽ giúp thận đào thải chất độc ra khỏi cơ thể tốt hơn. Mỗi người cần uống ít nhất 2,5 lít nước/ngày. Ngoài nước lọc thì nước chanh, nước ép rau quả và nước dừa cũng tốt cho thận, theo Eat This, Not That!.

Theo Thanh niên