Theo thông kê của WHO, đến nay đã ghi nhận hơn 22.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ từ 79 quốc gia, với 70% trường hợp ở châu Âu và 25% ở châu Mỹ. Trong đó, có đến khoảng 98% trường hợp là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
Kể từ đợt bùng phát hồi tháng 5, thế giới ghi nhận 5 ca tử vong vì bệnh đậu mùa khỉ, với khoảng 10% phải nhập viện để kiểm soát cơn đau do căn bệnh này.
Bệnh đậu mùa khỉ lây qua nhiều đường
Theo TS Nguyễn Hồng Vũ - Viện City of Hope (Mỹ), virus đậu mùa khỉ lây lan qua các tổn thương trên da, dịch cơ thể, các giọt nước đường hô hấp và những vật bị nhiễm như chăn, ga, gối, đệm.
“Do vậy, việc một người tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm bệnh đang có biểu hiện mà có các tương tác qua những con đường trên thì nguy cơ lây nhiễm cũng có thể xảy ra.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên biết rằng, nếu so sánh với virus SARS-CoV-2 thì virus đậu mùa khỉ có khả năng lây kém hơn rất nhiều. So với virus HIV thì virus đậu mùa khỉ có khả năng lây mạnh hơn, tốt hơn, qua nhiều đường hơn chứ không chỉ qua đường máu và các dịch trong quan hệ tình dục”, TS Vũ giải thích.
Virus đậu mùa khỉ có khả năng lây qua nhiều đường khác nhau (Ảnh minh họa)
Theo chuyên gia này, việc quan hệ đồng giới của những người nam dễ tạo tổn thương da hơn. Từ đó, tạo điều kiện cho virus đậu mùa khỉ dễ lây lan hơn. Đây được coi là lý do nhóm người này đang trở thành tâm điểm của dịch bệnh hiện nay.
TS Vũ dẫn chứng, các khảo sát cũng cho thấy, hầu hết ca bệnh có nguồn gốc từ lễ hội người đồng giới, quan hệ tình dục nam - nam với nhiều bạn tình.
Virus đậu mùa khỉ không chừa ai
TS Nguyễn Hồng Vũ cho biết, hiện nay, có một số quan điểm, thành kiến với những người đồng tính nam trong xã hội. Một số ý kiến cho rằng, người đồng tính nam là nguyên nhân gây nên căn bệnh này, hoặc đậu mùa khỉ là đặc trưng của nhóm người này. Tuy nhiên, những quan điểm đó là không chính xác.
“Virus đậu mùa khỉ không chừa ai cả. Nó không phải là virus “chỉ lây qua đường tình dục” hoặc “chỉ lây trong người đồng tính nam” mà có thể lây cho bất cứ ai nếu người đó tiếp xúc trực tiếp với người đang biểu hiện bệnh đậu mùa khỉ.
Nhóm người đồng tính nam (phần lớn ở châu Âu, châu Mỹ) đang chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong dịch đậu mùa khỉ có thể là do thói quen sinh hoạt tình dục của họ vốn đã dễ lây lan hơn”, chuyên gia nhận định.
Theo TS Vũ, nếu sự kỳ thị xảy ra, những người nhiễm bệnh sẽ sợ hãi. Từ đó, sẽ dẫn đến xu hướng che giấu và không đến các cơ sở y tế để thăm khám bệnh.
Điều đó dẫn đến hệ lụy là việc lây truyền sẽ không bị phát hiện. Tình trạng này gây hại cho cá nhân đó, cũng như tập thể do không “tìm dấu” được bệnh trong cộng đồng. Từ đó, khó khăn ngăn chặn dịch phát triển.
Quan hệ đồng giới của những người nam dễ tạo tổn thương da, tạo điều kiện cho virus đậu mùa khỉ dễ lây lan hơn (Ảnh minh họa)
Đến nay, Việt Nam dù chưa có báo cáo ca bệnh nhưng theo nhận định của Bộ Y tế, việc bệnh du nhập qua các cửa khẩu chỉ là vấn đề thời gian, cũng có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng nhưng chưa được phát hiện.
Theo Bộ Y tế, các triệu chứng thường thấy của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, đau đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban có thể nhìn giống như mụn nước xuất hiện trên mặt, bên trong miệng hoặc ở các bộ phận khác của cơ thể như bàn tay, bàn chân, ngực, bộ phận sinh dục hoặc hậu môn.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong 2 - 3 tuần. Tuy nhiên, bệnh nhân hay gặp tổn thương da toàn thân và có hạch to kéo dài 2 - 3 tuần. Bệnh thường nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người suy giảm miễn dịch.
Các biến chứng có thể xảy ra của đậu mùa khỉ gồm nhiễm trùng thứ phát, viêm phế quản phổi, nhiễm trùng huyết, viêm não và nhiễm trùng giác mạc kèm theo mất thị lực. Bệnh có tỷ lệ tử vong dao động từ 0 - 11%.
Theo giadinhonline.vn