Đối với người khỏe mạnh, thức dậy vào nửa đêm rồi ngủ lại có thể dễ dàng, nhưng với người mắc bệnh tiểu đường, mọi thứ sẽ khác.

Nhiều bệnh nhân tiểu đường hầu như thức dậy mỗi đêm vào cùng một thời điểm, khoảng 3 giờ sáng, vì lượng đường trong máu của họ tăng đột ngột, theo tờ Express.

Hiện tượng kỳ lạ khiến người tiểu đường thức giấc lúc 3 giờ sáng - Ảnh 1.

Nhiều bệnh nhân tiểu đường thức dậy mỗi đêm vào cùng một thời điểm, khoảng 3 giờ sáng, vì lượng đường trong máu của họ tăng đột ngột

SHUTTERSTOCK

Nguyên nhân do đâu?

Hiện tượng thức giấc lúc 3 giờ sáng này có thể do một trong hai nguyên nhân: Hiện tượng bình minh hoặc hiệu ứng Somogyi.

Hiện tượng bình minh

Khi cơ thể sử dụng đường để tạo ra năng lượng và để thức dậy vào buổi sáng, người bệnh cần có thêm năng lượng.

Do đó, theo Phòng khám Mayo Clinic (Mỹ), cơ thể bắt đầu sử dụng đường dự trữ để chuẩn bị cho ngày sắp tới. Đồng thời, gan giải phóng thêm đường vào máu do hoóc môn tăng trưởng, cortisol và catecholamine.

Đối với một số người, điều này thường xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng, để chuẩn bị cho cơ thể thức dậy trong ngày, theo Express.

Hơn nữa, khi hiện tượng này xảy ra, liều lượng thuốc trị tiểu đường của người bệnh đã uống một ngày trước đó bắt đầu hết tác dụng.

Tất cả những hiện tượng này kết hợp với nhau dẫn đến sự gia tăng lượng đường trong máu vào buổi sáng và gây thức giấc.

Hiện tượng kỳ lạ khiến người tiểu đường thức giấc lúc 3 giờ sáng - Ảnh 2.

Một trong những cách dễ nhất để biết liệu mức đường huyết tăng đột biến có phải do hiệu ứng Somogyi hay không là kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy

SHUTTERSTOCK

Hiệu ứng Somogyi

Một nguyên nhân khác khiến lượng đường trong máu cao vào buổi sáng là do hiệu ứng Somogyi, điều này cũng đánh thức cơ thể và có thể gây khó chịu cho người bệnh tiểu đường.

Hiệu ứng Somogyi xảy ra khi lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp vào giữa đêm.

Để giải cứu khỏi tình trạng này, cơ thể sẽ giải phóng các hoóc môn buộc gan giải phóng đường dự trữ để ổn định lượng đường trong cơ thể.

Tuy nhiên, đối với người bệnh tiểu đường, gan sẽ giải phóng lượng đường dư thừa dẫn đến lượng đường trong máu cao, theo Express.

Có gì khác biệt?

Sự khác biệt chủ yếu giữa hai loại này là hiệu ứng Somogyi dẫn đến hạ đường huyết rồi lại tăng đường huyết.

Một trong những cách dễ nhất để biết liệu mức đường huyết tăng đột biến có phải do hiệu ứng Somogyi hay không là kiểm tra lượng đường trong máu trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy.

Nếu lượng đường trong máu thấp vào ban đêm thì đó là do hiệu ứng Somogyi. Còn nếu bình thường hoặc cao thì có thể là do hiện tượng bình minh.

Cũng cần lưu ý rằng hiệu ứng Somogyi có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày khi cơ thể người bệnh có lượng đường trong máu cao.

Nên làm gì?

Một khi đã biết nguyên nhân gây ra sự gia tăng lượng đường trong máu, có thể thực hiện các biện pháp để làm dịu các triệu chứng. Các bác sĩ hướng dẫn cách xử lý như sau:

Đối với hiện tượng bình minh: Thay đổi thời gian hoặc loại thuốc trị tiểu đường; Ăn bữa ăn sáng nhẹ hơn; Tăng liều lượng thuốc buổi sáng.

Đối với hiệu ứng Somogyi: Giảm liều thuốc tiểu đường vào ban đêm, theo Express.

Theo Thanh niên