Nhìn chung, viêm họng không gây sốt sẽ ít lo ngại hơn đau họng có gây sốt. Thông thường, nếu viêm họng mà không sốt thì người bệnh không cần đến khám bác sĩ, theo chuyên trang sức khỏe Verywell Health (Mỹ).

Vì sao nhiều người bị viêm họng nhưng không bị sốt ? - Ảnh 1.

Đau họng nhưng không bị sốt có thể do cảm lạnh hoặc viêm amiđan

SHUTTERSTOCK

Khi mắc viêm họng nhưng không kèm theo sốt thì người bệnh có thể đang mắc những vấn đề sau:

Cảm lạnh thông thường

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm họng nhưng không bị sốt là cảm lạnh. Nếu là cảm lạnh thông thường, người bệnh sẽ kèm theo hắt xì, chảy nước mũi và cảm thấy mệt.

Cảm lạnh thường sẽ tự khỏi sau 7-10 ngày. Nghỉ ngơi, uống trà nóng với mật ong và thuốc giảm đau không kê đơn có thể giúp kiểm soát triệu chứng bệnh.

Viêm amiđan

Viêm amiđan là tình trạng amiđan trong cổ họng bị sưng. Tác nhân gây viêm thường là nhiễm virus, vi khuẩn. Cả người lớn và trẻ em đều có thể bị viêm amiđan. Nhóm trẻ em dưới 2 tuổi lại dễ mắc viêm amiđan hơn.

Ngoài đau họng, viêm amiđan còn gây khó nuốt, hôi miệng, amiđan trong miệng sưng đỏ, phủ lớp màu trắng hoặc vàng. Bệnh thường khỏi sau 3-5 ngày. Người bệnh có thể uống thuốc giảm đau không kê đơn và ăn các món mềm.

Nếu viêm amiđan kéo dài không hết, lặp đi lặp lại thì cần đến bác sĩ kiểm tra. Nếu viêm amiđan nặng thì cần bác sĩ khám để có hướng điều trị.

Trào ngược a xít

Một nguyên nhân khác viêm họng mà không gây sốt là do trào ngược a xít gây ra. Trào ngược còn được gọi là bệnh trào ngược dạ dày thực quản, xảy ra khi a xít từ dạ dày đi ngược lên thực quản, cổ họng và miệng. A xít dạ dày sẽ gây kích ứng và làm sưng họng.

Trào ngược sẽ có các triệu chứng như đau ngực do ợ nóng, ho mạn tính, khàn giọng, khó nuốt, buồn nôn và đắng miệng. Triệu chứng có thể tồi tệ hơn khi ăn các món cay, có tính a xít hay khi nằm.

Vì sao nhiều người bị viêm họng nhưng không bị sốt? - Ảnh 2.

Thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn và giảm cân sẽ giúp giảm trào ngược

SHUTTERSTOCK

Thay đổi lối sống, điều chỉnh chế độ ăn và giảm cân sẽ giúp giảm trào ngược. Với trào ngược mức độ nhẹ hoặc thỉnh thoảng bị thì có thể dùng thuốc kháng a xít nhưng không nên dùng mỗi ngày. Nếu trào ngược xảy ra thường xuyên thì cần đi bác sĩ khám.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục

Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể gây đau họng, đặc biệt là nếu tiếp xúc với virus lây bệnh qua đường miệng. Trên thực tế, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu hay mụn rộp có thể gây viêm đau trong họng.

Ngoài đau họng, bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như xuất hiện vết loét ở bộ phận sinh dục, đau khi tiểu, tiểu thường xuyên, tăng tiết dịch sinh dục, đau xương chậu, đau bên trong dương vật hoặc âm đạo.

Nhìn chung, viêm họng mức độ nhẹ có thể tự điều trị tại nhà. Tuy nhiên, viêm họng dù có gây sốt hay không thì cũng cần đến bác sĩ ngay lập tức nếu kèm theo các triệu chứng như khó thở, khó nuốt, xuất hiện triệu chứng mất nước, có máu trong nước bọt hay đờm, sưng đau khớp, phát ban và chảy nước dãi, đặc biệt ở trẻ em, theo Verywell Health.

Theo Thanh niên