1. Vai trò của vitamin D đối với khả năng sinh sản của phụ nữ

Vitamin D hỗ trợ quá trình mang thai:

Tổng hợp hormon nội tiết tố nữ

Vitamin D kích thích hoạt động và sự biểu hiện của enzym aromatase, dẫn đến tổng hợp các hormon estrogen và progesterone. Ngoài ra, vitamin D còn ảnh hưởng đến sự phát triển của tử cung và nội mạc tử cung, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình làm tổ của phôi thai.

Phản ứng miễn dịch

Vitamin D có vai trò trong việc điều chỉnh phản ứng miễn dịch. Trong các tế bào nội mạc tử cung, vitamin D làm giảm phản ứng viêm gây ra bởi các yếu tố gây viêm (IL-1β, TNF-α) và giảm sản xuất các độc tố (IL-6 and IFN-γ), đồng thời làm tăng IL-8 và TGF-β, kích thích sự thụ thai.

photo-1663597561985

Vitamin D là một trong những chất dinh dưỡng cần thiết nhất cho phụ nữ mang thai.

2. Hậu quả của việc thiếu hụt vitamin D trong thời kì mang thai

Duy trì đủ lượng vitamin D trong khi sinh con cũng có thể làm giảm nguy cơ biến chứng như tiền sản giật, đái tháo đường thai kỳ, thậm chí là sinh con nhẹ cân. Các nghiên cứu cũng cho thấy những bà mẹ sắp sinh được cung cấp đủ vitamin D sẽ ít có nguy cơ chuyển dạ sinh non hơn.

2.1. Tiền sản giật

Tiền sản giật là bệnh đa hệ thống, kết hợp tăng huyết áp và protein niệu, xảy ra ở 3-15% các trường hợp mang thai, có khả năng gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi. Nó còn ảnh hưởng đến sự chậm phát triển trong tử cung, sinh non tự phát hoặc mổ lấy thai kế hoạch trước (trước 37 tuần tuổi thai do nguyên nhân từ mẹ và/hoặc thai nhi). Có nhiều yếu tố nguy cơ: Tiền sản giật ở lần mang thai trước, đa thai, gia đình có người mang thai bị tiền sản giật, béo phì hoặc bệnh máu khó đông.

2.2. Đái tháo đường thai kỳ

Một số phân tích tổng hợp đã tìm thấy mối liên hệ giữa nồng độ vitamin D trong huyết thanh người mẹ thấp và bệnh đái tháo đường thai kỳ. Nhiều nghiên cứu cho thấy bổ sung vitamin trong thai kỳ làm giảm lượng đường huyết đáng kể lúc đói trong huyết thanh, nồng độ insulin và mức đề kháng insulin.

2.3. Sinh mổ

Thụ thể vitamin D có trong tế bào cơ (cả tế bào cơ trơn hoặc cơ xương). Thiếu vitamin D ở phụ nữ mang thai có khả năng làm tăng nguy cơ sinh mổ và có thể gây chuyển dạ lâu hơn, phức tạp hơn. Vitamin D giúp tăng cường cơ sàn chậu, cải thiện khả năng kiểm soát cơ, ngăn ngừa tiểu không kiểm soát trong và sau khi sinh và làm dịu quá trình chuyển dạ.

Ngoài ra, thiếu vitamin D trong thời kì mang thai còn có thể gây ra khả năng sinh non và trẻ nhẹ cân.

3. Vitamin D trong thời kì mang thai ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh như thế nào?

3.1. Các chỉ số xương

Vitamin D đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển hệ xương của thai nhi và quá trình khoáng hóa. Quá trình hình thành xương bắt đầu từ thời kỳ phôi thai, nhưng thời kỳ khoáng hóa chính của xương (80%) là trong tam cá nguyệt thứ ba.

photo-1663597566329

Phụ nữ mang thai nên uống sữa để bổ sung vitamin D.

3.2. Viêm tiểu phế quản

Nhiễm trùng đường hô hấp dưới (chủ yếu là viêm phổi và viêm tiểu phế quản) là nguyên nhân hàng đầu của bệnh tật và tử vong ở trẻ nhỏ. Vitamin D tăng cường khả năng miễn dịch bẩm sinh bằng cách điều chỉnh sản xuất các peptit chống lại vi khuẩn. Hơn nữa, dạng hoạt động của vitamin D, calcitriol (được sản xuất cục bộ trong biểu mô phổi) có đặc tính điều hòa miễn dịch, bảo vệ vật chủ chống lại các mầm bệnh đường hô hấp.

3.3. Hen suyễn

Bổ sung vitamin D trong thai kỳ có thể làm giảm tỷ lệ hen suyễn ở trẻ em. Phụ nữ bị hen suyễn bắt đầu mang thai bổ sung vitamin D liều cao và duy trì đủ vitamin D trong suốt thai kỳ có khả năng giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn hoặc thở khò khè tái phát ở trẻ giai đoạn trước 3 tuổi.

3.4. Đái tháo đường týp 1

Thiếu vitamin D có thể là một nguyên nhân có thể gây ra sự phát triển của đái tháo đường týp 1 trong những năm đầu đời và đặc biệt là ở trẻ có khuynh hướng di truyền, trong khi sự thiếu hụt vitamin D là hiện tượng rất phổ biến ở những bệnh nhân này. Mức protein liên kết với vitamin D của mẹ cao hơn khi sinh có thể làm giảm nguy cơ đái tháo đường týp 1 ở con.

3.5. Chứng tự kỷ

Vitamin D ảnh hưởng đến sự phát triển trí não sớm ở trẻ em. Vitamin D đóng một vai trò trong sự biệt hóa tế bào thần kinh, dẫn truyền thần kinh và các chức năng của khớp thần kinh. Thiếu hụt vitamin D có thể làm thay đổi cấu hình hoạt hóa tế bào T và ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch thích ứng và gây ra chứng tự kỷ nặng hơn. Stress oxy hóa có thể làm tăng khả năng mắc bệnh tự kỷ, vitamin D làm tăng tổng hợp serotonin, đóng một vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát cảm xúc. 

Ngoài ra, thiếu vitamin D có thể làm tăng nguy cơ đột biến gen bằng cách ức chế sửa chữa DNA của các đột biến sớm và do đó có thể góp phần gây ra chứng tự kỷ.

4. Bổ sung vitamin D thế nào cho hợp lý?

Nên bổ sung vitamin D đạt mức tối ưu là 30 ng/mL hoặc hơn trước khi thụ thai và trong toàn bộ thai kỳ, tương đương khoảng 2.200 IU/ngày vitamin D (55mcg).

Bổ sung vitamin D 40 ng/mL, tương đương khoảng 3.600 IU (90mcg) được chứng minh là ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, chủ yếu là hô hấp và ảnh hưởng đến các bệnh tự miễn dịch.

Trong đó:

- Phụ nữ mang thai và cho con bú nên bổ sung khoảng 600 IU (hoặc tương đương 15 mcg) vitamin D mỗi ngày.

- Có thể bổ sung vitamin D qua các loại thực phẩm: Cá hồi, cá mòi, trứng, sữa bò tăng cường thêm vitamin D, sữa nguồn gốc thực vật có tăng cường vitamin D. Phụ nữ có thai cũng thường xuyên tắm nắng sớm để giúp cơ thể tổng hợp vitamin D.

Theo suckhoedoisong.vn