Túi phình động mạch lách của nữ bệnh nhân trước khi được can thiệp - ẢNH: BVCC
Ngày 5.11, Khoa Tim mạch 1, Bệnh viện Nguyễn Trãi TP.HCM cho biết nơi này vừa can thiệp thành công cho nữ bệnh nhân N.T.T.T (44 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) bị phình động mạch lách nguy hiểm.
6 tháng đi nhiều nơi khám không ra bệnh
Theo bác sĩ, chị T. bị đau vùng bụng trái 6 tháng nay và đi khám nhiều lần ở phòng khám tư nhưng không phát hiện bệnh lý gì. Chị T. đến Bệnh viện Nguyễn Trãi thăm khám trong tình trạng đau bụng âm ỉ, khó chịu.
Tại Khoa Tim mạch 1, bệnh nhân được siêu âm bụng và mạch máu, bác sĩ phát hiện có túi phình mạch máu bất thường ở gần lách. Kết quả chụp cắt lớp vi tính có thuốc cản quang xác định túi phình ở động mạch lách. Túi phình có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào và đe dọa tính mạng.
Bệnh nhân được yêu cầu nhập viện ngay để điều trị. Sau khi hội chẩn, bệnh nhân được lựa chọn can thiệp bằng ống thông qua đường mạch máu nhằm tránh nguy cơ phẫu thuật phải cắt lách. Phương pháp này được thực hiện sự hỗ trợ của máy DSA (hệ thống chụp xóa nền mạch máu). Theo đó, bác sĩ mở 1 lỗ nhỏ ở động mạch đùi, qua đó luồn ống thông vô đến lỗ động mạch lách, sau đó đến vị trí túi phình và thả 3 coil (vòng xoắn kim loại) bít hoàn toàn túi phình.
Ngay sau thủ thuật, hình ảnh chụp lại cho thấy túi phình bị bít hoàn toàn, trong khi đó phần còn lại của động mạch lách vẫn có máu chảy bình thường. Bệnh nhân hết đau tức vùng bụng và được xuất viện sau 2 ngày.
Vì sao phình động mạch lách?
Theo bác sĩ Hồ Dũng Tiến, Trưởng Khoa Tim mạch 1 (Bệnh viện Nguyễn Trãi), giãn phình động mạch lách là tình trạng hiếm gặp trên lâm sàng, thường được phát hiện ngẫu nhiên khi khảo sát hình ảnh ổ bụng hoặc khám nghiệm trên tử thi với những nguyên nhân khác.
Theo thống kê, tỷ lệ mắc phình động mạch lách trung bình khoảng 0,1%. Bệnh có thể gặp ở mọi độ tuổi, phổ biến ở nhóm người trên 50 tuổi. Phụ nữ thường có phình động mạch lách nhiều hơn đàn ông, nhất là nhóm phụ nữ mang thai ở nửa sau thai kỳ.
“Biến chứng đáng sợ và thường gặp của phình động mạch lách là vỡ túi phình, gây xuất huyết ồ ạt trong ổ bụng, khiến người bệnh rơi vào trạng thái sốc mất máu. Vỡ túi phình động mạch lách chiếm khoảng 3% đến 10%. Một vài trường hợp vỡ túi phình động mạch lách đã được báo cáo ở phụ nữ mang thai với tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong con trên 80%”, bác sĩ Dũng Tiến nói.
Bác sĩ Dũng Tiến cho biết phụ nữ mang thai có túi phình động mạch lách cũng có thể gặp biến chứng vỡ túi phình sau khi mang thai. Tăng huyết áp là yếu tố thuận lợi, tăng tỷ lệ vỡ túi phình động mạch lách.
Theo bác sĩ, phình động mạch lách có thể xuất hiện do nhiều nhóm nguyên nhân khác nhau mặc dù cơ chế cụ thể chưa được hiểu rõ. Có thể liệt kê các tình trạng bất thường gây phình động mạch lách như: Dị dạng mạch máu bẩm sinh, thuyên tắc động tĩnh mạch lách, huyết khối động mạch lách, chứng xơ vữa mạch máu, mang thai, tăng áp hệ tĩnh mạch cửa, một số độc chất gây tổn thương thành mạch…
Vì phình động mạch lách nếu không điều trị có thể vỡ bất cứ lúc nào, gây tràn máu toàn bộ ổ bụng và đe doạ tính mạng. Vì vậy khi xuất hiện những cơn đau bụng thường xuyên, đau lưng kéo dài, người bệnh không nên chủ quan nghĩ là rối loạn tiêu hóa mà nên đi khám tại các cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện chẩn đoán để phát hiện kịp thời các bệnh lý bất thường nhất là các túi phình mạch máu nằm trong bụng.
Theo thanhnien