Học sinh đeo khẩu trang khi đi học tại trường học ở Jakarta, Indonesia trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát - Ảnh: REUTERS
Đài BBC ngày 8-3 dẫn một nghiên cứu lớn từ Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc trên 44.000 bệnh nhân COVID-19 cho biết hầu hết những người mắc COVID-19 sẽ bị nhiễm trùng nhẹ nhưng tỉ lệ khá rõ ràng đối với những trường hợp nghiêm trọng.
Trong 44.000 bệnh nhân, số bệnh nhân nam tử vong vì COVID-19 chiếm 2,8% so với 1,7% số bệnh nhân nữ. Trong khi đó, chỉ có 0,2% trẻ em và thiếu niên chết vì COVID-19 so với gần 15% người trên 80 tuổi.
Đài BBC cho biết có một số cách để giải thích các phát hiện này.
Khác biệt về lối sống giữa nam giới và nữ giới
Mặt khác, các bạn có thể ngạc nhiên vì sự chênh lệch tỉ lệ tử vong giữa nam giới và nữ giới mắc COVID-19, nhưng các nhà khoa học thì không vì họ đã nhìn thấy tỉ lệ tương tự trong một số căn bệnh truyền nhiễm, bao gồm cúm mùa.
Một phần câu trả lời cho sự chênh lệch tỉ lệ tử vong giữa hai giới là vì nam giới có sức khỏe kém hơn nữ giới do có lối sống kém lành mạnh, chẳng hạn như hút thuốc. "Hút thuốc gây tổn thương phổi" - bác sĩ Nathalie MacDermott, từ trường King's College London (Anh), nói.
Đây có thể là một vấn đề đặc biệt tại Trung Quốc khi ước tính có 52% nam giới hút thuốc so với 3% nữ giới ở nước này.
Tuy nhiên, cũng có những khác biệt trong các hệ miễn dịch của nam giới và nữ giới phản ứng với sự nhiễm trùng. "Phụ nữ có các phản ứng miễn dịch khác với nam giới, phụ nữ thường mắc các bệnh tự miễn nhiều hơn và cũng có bằng chứng cho thấy phụ nữ sản sinh kháng thể tốt hơn khi chống lại bệnh cúm" - giáo sư Paul Hunter của ĐH East Anglia, cho biết.
Một câu hỏi đáng quan tâm khác là có bất kỳ rủi ro nào trong thai kỳ của phụ nữ hay không. Câu trả lời chính thức là không nhưng các chuyên gia cũng không loại trừ những nghi ngờ về việc này.
Cơ thể người phụ nữ sẽ thay đổi rất nhiều khi mang thai, bao gồm suy giảm hệ miễn dịch, khiến thai phụ dễ bị nhiễm trùng hơn. Thai phụ có nhiều khả năng tử vong vì cúm hơn so với phụ nữ không mang thai trong cùng độ tuổi.
Chính phủ Anh cho biết "không có dấu hiệu rõ ràng" cho thấy phụ nữ mang thai có nhiều khả năng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi SARS-CoV-2 hơn phụ nữ bình thường. "Tôi không tự tin lắm. Kết luận của chính phủ Anh dựa trên dữ liệu từ 9 thai phụ nên tôi không nghĩ là có thể nói rằng mọi thứ đều ổn" - giáo sư Hunter nhận định.
"Nếu đó là vợ tôi, tôi sẽ khuyến khích cô ấy thực hiện các biện pháp phòng ngừa, rửa tay và cẩn thận gấp đôi" - ông Hunter nói thêm.
Trẻ được bảo vệ tốt
Về phần trẻ em, chúng hoàn toàn có thể mắc COVID-19. "Một lý do chúng ta không thấy có nhiều ca bệnh ở trẻ em là vì chúng đã được bảo vệ ngay từ khi dịch bắt đầu bùng phát, cha mẹ đã giữ trẻ tránh xa căn bệnh này" - bác sĩ MacDermott nhận định.
Trường hợp trẻ mắc COVID-19 trẻ nhất là trẻ chỉ vài ngày tuổi. Đài BBC cho biết có rất ít thông tin về các triệu chứng khi trẻ mắc COVID-19 nhưng nhìn chung trẻ bị bệnh nhẹ, bao gồm sốt, sổ mũi và ho.
Thông thường, trẻ em dưới 5 tuổi bị cúm sẽ có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn, đặc biệt biến chứng sẽ nặng hơn đối với trẻ có vấn đề sức khỏe khác như hệ miễn dịch kém hoặc bị hen suyễn. Nhưng nhìn chung, virus SARS-CoV-2 có vẻ ảnh hưởng nhẹ hơn ở trẻ em, theo Đài BBC.
Hệ miễn dịch của trẻ em còn non nớt và có xu hướng phản ứng thái quá. Đó là lý do vì sao trẻ hay sốt khi bị bệnh. Theo Đài BBC, có một số bệnh lúc nhỏ mắc phải sẽ tốt hơn khi lớn lên, điển hình là bệnh thủy đậu vì cách cơ thể phản ứng với căn bệnh cũng khác nhau ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời.
"Trẻ em dường như không có phản ứng miễn dịch tương xứng khi virus này (corona) xâm nhập vào cơ thể và một số trẻ dường như không có triệu chứng. Chúng ta vẫn chưa hiểu rõ về vấn đề này" - bác sĩ MacDermott nhận định.
Theo tuoitre