Sự gia tăng hormone căng thẳng cortisol có thể dẫn đến tăng cân. Mỗi khi bạn căng thẳng, tuyến thượng thận sẽ kích thích giải phóng adrenaline và cortisol. Kết quả là glucose (nguồn năng lượng chính của bạn) giải phóng vào máu. Tất cả những điều này được thực hiện nhằm cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho bạn để thoát khỏi tình trạng stress. Một khi tình trạng stress giảm xuống, lượng adrenaline cao sẽ giảm đi và lượng đường trong máu của bạn cũng giảm xuống.
Mối liên hệ giữa cortisol và sự thèm đường
Đường giúp cung cấp năng lượng nhanh chóng khi cơ thể cần. Đường cũng là thứ đầu tiên bạn nghĩ đến khi bị căng thẳng, stress. Tuy nhiên, nhược điểm của việc tiêu thụ quá nhiều đường là cơ thể bạn có xu hướng tích trữ đường, đặc biệt là sau những tình huống căng thẳng, cơ thể bạn càng muốn hấp thụ nhiều đường hơn. Năng lượng này được lưu trữ chủ yếu ở dạng mỡ bụng. Do đó, bạn sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn: Bị căng thẳng, tiết ra cortisol, tăng cân, thèm đường hơn, ăn nhiều đường hơn và tăng cân.
Cortisol làm chậm quá trình trao đổi chất
Ngay cả khi bạn không ăn thực phẩm giàu chất béo và đường, cortisol cũng làm chậm quá trình trao đổi chất của bạn, khiến bạn khó giảm cân. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, trung bình, những phụ nữ có một hoặc nhiều tác nhân gây căng thẳng trong 24 giờ trước đó sẽ đốt cháy ít hơn 104 calo so với những phụ nữ không bị căng thẳng. Phụ nữ bị căng thẳng cũng có mức insulin, một loại hormone góp phần tích trữ chất béo cao hơn. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra những người thường xuyên bị căng thẳng sẽ có xu hướng ăn nhiều chất béo, nhiều calo. Đây chính là nguyên nhân khiến bạn dễ bị tăng cân khi gặp phải tình trạng căng thẳng, stress.
Cách phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa stress và tăng cân
Dưới đây là một số cách thức hữu hiệu có thể giúp bạn phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa stress và tăng cân.
Tập thể dục
Các hành vi lành mạnh như ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn chống lại sự tăng cân liên quan đến căng thẳng. Tập thể dục có thể giúp bạn giải quyết cùng một lúc cả hai vấn đề, vừa giúp bạn giảm thiểu stress hiệu quả vừa tăng cường sức khỏe. Hãy đưa tập thể dục vào thói quen hàng ngày của bạn bằng cách dành một chút thời gian đi dạo trong giờ nghỉ trưa hoặc tập thể dục, chạy bộ sau giờ làm việc... Điều này giúp duy trì khối lượng cơ thể ở mức ổn định.
Ngoài ra bạn có thể tập thiền, yoga, hoặc đơn giản chỉ là hít thở sâu cũng có thể giúp hormone cortisol trở lại mức bình thường.
Tập ăn vặt lành mạnh
Bạn không cần phải sử dụng tinh bột hoặc chất béo để làm cho bản thân cảm thấy thoải mái hơn. Nghiên cứu kiểm tra hiệu quả của đồ ăn vặt trong việc cải thiện tâm trạng đã chứng minh rằng thức ăn lành mạnh, chẳng hạn như các loại hạt, bắp rang bơ, có khả năng giảm tâm trạng tiêu cực. Tích trữ thực phẩm này là một lựa chọn hợp lý để làm giảm căng thẳng, đồng thời duy trì vóc dáng cân đối.
Thực hành ăn uống có chánh niệm
Tập trung vào những gì bạn đang ăn, không bị phân tâm, cũng có thể giúp bạn giảm căng thẳng, ngăn ngừa tăng cân. Một nghiên cứu cho thấy những phụ nữ thừa cân được tập luyện ăn uống dựa trên chánh niệm có khả năng tránh ăn uống theo cảm xúc tốt hơn và có mức độ căng thẳng thấp hơn, dẫn đến ít mỡ bụng hơn theo thời gian.
Uống nhiều nước hơn
Cơ thể của chúng ta rất dễ nhầm lẫn giữa khát và đói. Nhưng chính nhầm lẫn giữa hai cảm giác này có thể khiến bạn ăn nhiều calo hơn mức cơ thể cần, dẫn đến tăng cân. Nếu chỉ mới ăn được vài giờ mà bạn cảm thấy đói, hãy thử uống một chút nước. Sau khi uống mà bạn vẫn cảm thấy đói, hãy ăn nhẹ.
Hảo Anh