1. Một số ít trẻ có thể vẫn mắc bệnh sau tiêm vaccine

PGS.TS.Trần Thanh Tú – Giám đốc Trung tâm quốc tế, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, tùy từng loại mà khoảng 85% - 99% người được tiêm vaccine sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Số ít còn lại không may mắc bệnh thì bệnh sẽ nhẹ hơn, hạn chế di chứng và tử vong.

Nhờ có vaccine hàng năm trên thế giới đã cứu sống khoảng 2,5 triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Vaccine và tiêm chủng góp phần quan trọng để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ dưới 5 tuổi trên toàn thế giới. Nhưng vẫn còn một tỉ lệ nhỏ trẻ em sau khi tiêm chủng vẫn mắc bệnh, điều đó khiến không ít cha mẹ lo lắng và đổ tại cho chất lượng vaccine không tốt, không hiệu quả như tuyên truyền.

PGS.TS.Trần Thanh Tú chia sẻ: Cũng là một người mẹ, nên tôi hiểu rằng với các mẹ mong nhất là con khỏe mạnh, lo nhất là con ốm. Do đó khi bé bị ốm, nhất là mắc phải bệnh mà con đã được tiêm chủng rồi thì cha mẹ thường rất lo lắng. Những băn khoăn này cũng có thể hiểu được. Nhưng để em bé của mình khỏe mạnh, thì chúng ta cần ghi nhớ "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Vậy làm thế nào để phòng bệnh được cho bé?

Có phải chỉ cần tiêm vaccine là con không mắc bệnh? - Ảnh 1.
 

Đáp ứng miễn dịch sau tiêm vaccine phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Có 2 biện pháp phòng bệnh:

- Phòng bệnh thụ động: Cho bé bú mẹ đặc biệt trong 6 tháng đầu. Lúc này một số kháng thể của mẹ truyền qua con theo con đường sữa mẹ, dinh dưỡng cho em bé đầy đủ các thành phần P, L, G, vitamin và khoáng chất. Vệ sinh răng miệng, tạo môi trường sạch sẽ, ít khói bụi, thực phẩm có nguồn gốc sạch…

- Phòng bệnh chủ động: Tiêm vaccine được khẳng định là biện pháp phòng bệnh có cơ sở khoa học vững chắc trong dự phòng các bệnh nhiễm trùng. Nhờ có vaccine mà loài người đã thanh toán được những dịch bệnh nguy hiểm như:

  • Đậu mùa (1979).
  • Giảm tỷ lệ mắc (bại liệt).
  • Giảm tỷ lệ tử vong (sởi).

Như vậy, để việc phòng bệnh hiệu quả thì các mục tiêu của tiêm chủng sẽ là giảm từ vong rồi đến giảm mắc và cuối cùng là thanh toán bệnh. Để đạt được điều này phụ thuộc vào đáp ứng của chính bản thân em bé tạo miễn dịch cá nhân. Đặc biệt khi đạt đến miễn dịch cộng đồng đủ thì em bé mới có thể không mắc bệnh. Vì vậy, nhiều mẹ sẽ thấy con mình tiêm chủng rồi nhưng vẫn có thể mắc bệnh là do cơ thể của bé chưa tạo đủ kháng thể để chống đỡ lại vi khuẩn.

Chúng ta hãy hình dung ngôi nhà có 2 lớp bảo vệ: Cổng, tường rào + cánh cửa chính của ngôi nhà chắc chắn. Khi bé được tiêm chủng đầy đủ thì cũng như một ngôi nhà được bảo vệ. Khi đó tần xuất mắc bệnh giảm và chẳng may có mắc bệnh trẻ sẽ ít có nguy cơ chuyển nặng, giảm nguy cơ tử vong. Chính vì vậy bé cần tiêm theo lịch để tạo cho các tế bào miễn dịch của cơ thể khả năng phát hiện được vi khuẩn tốt hơn.

2. Những lý do khiến trẻ tiêm chủng rồi mà vẫn bị bệnh

Đây là một vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều tác nhân, trong đó có 4 nghiên cứu tình huống nhằm giải thích tại sao các tác nhân hiện hữu trong thực tế đối với một số bệnh và vaccine.

- Hiệu quả của tiêm vaccineVaccine hiệu quả hơn hầu hết bất kỳ các loại thuốc mà chúng ta sử dụng trên cơ sở hàng ngày. Ví dụ như sau khi trẻ được tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine sởi – quai bị - Rubella, sẽ có tới 99% trẻ được bảo vệ trước bệnh sởi. Như vậy vẫn còn 1% trường hợp không tạo được đáp ứng miễn dịch với một loại vaccine cụ thể. Khi cơ thể không tạo ra được đáp ứng miễn dịch, sau này, những người này vẫn có nguy cơ mắc bệnh.

- Khả năng bảo vệ dài hạn của vaccine: Hầu hết các vaccine có tác dụng bảo vệ rất tốt trong nhiều năm, nhưng vaccine không có tác dụng bảo vệ vĩnh viễn. Mức bảo vệ có thể giảm tùy trường hợp: Giảm tự nhiên theo thời gian, do tình trạng sức khỏe, do dùng thuốc thuốc hoặc quá trình lão hóa và hệ miễn dịch giảm sút... Vì thế một số vaccine cần tiêm nhắc lại để đảm bảo khả năng phòng bệnh.

Chẳng hạn như vaccine ho gà, hiện nay được gọi là vaccine vô bào, được chế tạo bằng cách dùng một số lượng nhỏ các protein riêng biệt từ vi khuẩn, thay vì lấy toàn bộ vi khuẩn. Loại vaccine này tạo đáp ứng miễn dịch tốt và cũng giảm nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch do vaccine ho gà có xu hướng giảm dần theo thời gian. Điều này có nghĩa là tuy trẻ em đã được tiêm chủng vẫn có nguy cơ mắc ho gà sau một thời gian.

- Người có nguy cơ cao: Mục đích của chương trình tiêm chủng là bảo vệ các nhóm dân số khác nhau, qua các giai đoạn nguy cơ cao nhất của bệnh cụ thể. Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm, vì vậy hầu hết các quốc gia bắt đầu chương trình tiêm chủng từ trẻ nhỏ.

Do đó mỗi loại vaccine lại được nhắm đến những nhóm người có nguy cơ cao với một số bệnh cụ thể. Vì thế các mũi tiêm vaccine được tiêm cho trẻ ngay từ sau khi sinh ra cho đến 24 tháng tuổi rất cần được tiêm đầy đủ đúng lịch. Nếu trẻ không được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

- Sự thay đổi và tiến hóa của bệnh: Để vaccine có tác dụng, chủng vi khuẩn hoặc virus trong vaccine cần phải giống với chủng gây bệnh trong dân số. Một số virus, chẳng hạn như virus cúm A biến đổi và tiến hóa nhanh qua thời gian và tác động đến hiệu quả của vaccine.

Do vậy, riêng với cúm A, mỗi năm chúng ta lại cần tiêm nhắc lại, do vaccine cúm từ năm trước không còn khả năng bảo vệ trước chủng virus cúm của năm sau. Với virus gây bệnh sởi lại hiếm khi biến đổi, nên vaccine có thể bảo vệ sức khỏe lâu dài. Đối với bệnh phế cầu khuẩn và vaccine PCV có thể phòng ngừa được 13 type vi khuẩn, nhưng các chủng phế cầu khuẩn mới bắt đầu phổ biến hơn, thay thế các chủng đã biến mất khiến nhiều ca mắc bệnh hơn. Dù vậy, bệnh lý gây ra do các chủng này ít nghiêm trọng và gây tử vong hơn.

- Đạt miễn dịch cộng đồng: Khi cộng đồng có tỷ lệ được tiêm vaccine cao, đạt trên 80% thì rất khó để bệnh truyền nhiễm lây lan, do không có nhiều người có thể bị nhiễm bệnh. Khi cộng đồng được bảo vệ, nếu có xuất hiện dịch thì cũng khiến bệnh khó lây lan. Nếu chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì rất nhiều bệnh truyền nhiễm do người nhiễm bệnh chưa được tiêm chủng cứ thế truyền bệnh cho người khác.

Chẳng hạn như dịch sởi và vaccine MMR (sởi – quai bị - Rubella), khi tiêm mũi 1, có thể bảo vệ 9/10 trẻ trước bệnh sởi. Tiêm mũi thứ 2 sẽ bảo vệ được 9/10 trẻ không tạo được đáp ứng miễn dịch từ mũi đầu tiên. Vì vậy, tổng cộng 99 trong 100 em bé được bảo vệ trước sởi nhờ 2 mũi tiêm vaccine MMR, nhưng vẫn còn 1/100 trẻ em không được bảo vệ trước sởi. Nếu có 95/100 trẻ được tiêm vaccine MMR, thì trường hợp đứa trẻ 1/100 sẽ được bảo vệ nhờ miễn dịch cộng đồng.

Sởi có tính lây nhiễm cực kỳ cao, nếu trong dân số không được tiêm chủng, thì 1 người mắc sởi có thể lây cho từ 14 đến 18 người khác. Vì thế, tiêm chủng vẫn là biện pháp hữu hiệu hàng đầu trong việc phòng bệnh cho trẻ.

Theo suckhoedoisong.vn