Ảnh minh hoạ

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP HCM, cho biết sau 35 tuổi, đa số phụ nữ khó có thai và khi có thai hay bị trục trặc như gặp nhiều biến chứng, tai biến sản khoa. Sau 40 tuổi, tỷ lệ thụ thai càng thấp. Nguyên nhân do số lượng và chất lượng của nang noãn giảm dần theo thời gian.

Bác sĩ Hồ Mạnh Tường ví nang noãn là "gia tài" của người phụ nữ. Khi sinh ra, bé gái có khoảng một triệu nang noãn và liên tục giảm dần cho nang noãn tự thoái hóa. Đến tuổi dậy thì, buồng trứng bắt đầu phóng noãn (rụng trứng). Trên 500 nang noãn sẽ ra khỏi "kho" chứa mỗi tháng, tiếp tục phát triển để cuối cùng có một nang noãn trưởng thành và rụng trứng. Trong khi đó, nhiều nang noãn khác tiếp tục thoái hóa.

Vì vậy, phụ nữ càng lớn tuổi, chất lượng nang noãn càng giảm dần, tuổi sinh học của nang noãn tăng. Tới thời điểm mãn kinh (khoảng 50 tuổi), hai buồng trứng còn khoảng 1.000 nang noãn song chất lượng quá kém, không thể sử dụng.

Bên cạnh đó, một số phụ nữ bẩm sinh không có nhiều nang noãn hoặc nang noãn có tốc độ thoái hóa nhanh và sớm hơn nên buồng trứng suy giảm sớm. Các phẫu thuật có liên quan tới buồng trứng cũng làm ảnh hưởng tới các nang noãn.

"Chưa có cách làm tăng số lượng hoặc cải thiện chất lượng nang noãn", bác sĩ Tường cho biết.

Biện pháp kích thích buồng trứng trong IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) chỉ nhằm tối đa hóa hiệu quả sử dụng số nang noãn còn lại, không có tác dụng làm cho buồng trứng tốt lên. Trong khi đó, việc có con, mang thai và sinh con khỏe mạnh phụ thuộc rất nhiều vào nang noãn của phụ nữ.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Sim, Phó Giám đốc Trung tâm Sàng lọc, Chẩn đoán trước sinh và Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tỷ lệ thành công của thụ tinh nhân tạo ở những người trên 35 tuổi thấp hơn rất nhiều so với độ tuổi 20 - 34.

Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo chị em nên có kế hoạch sinh con trong độ tuổi thuận lợi. Nếu phát hiện nang noãn, buồng trứng có vấn đề, cần tới gặp bác sĩ để điều trị sớm.

Theo vnexpress