Ảnh minh hoạ

Trạng thái "ngủ" là cách các tế bào ngay lập tức thay đổi để kháng lại phương pháp điều trị. Các phương pháp điều trị ung thư vú thường thành công, tuy nhiên một số trường hợp ung thư tái phát và tiên lượng xấu hơn.

Ông Luca Magnani, Khoa Dược, Đại học Hoàng Gia London, Anh, cho biết phương pháp điều trị bằng hormone hiện được sử dụng cho phần lớn bệnh nhân ung thư vú. Từ lâu, các nhà khoa học đã đặt câu hỏi, liệu pháp này thực chất có tiêu diệt được các tế bào ung thư vú không, hay chỉ là chuyển các tế bào sang trạng thái "ngủ yên". 

Ông cùng các chuyên gia đã nghiên cứu khoảng hơn 50.000 tế bào ung thư vú của con người, tìm hiểu hiệu quả của hỗ trợ trị liệu nội tiết - một dạng liệu pháp hormone - đối với những tế bào ung thư đó. Kết quả cho thấy hỗ trợ trị liệu nội tiết có thể giết chết một số tế bào ung thư và khiến một số tế bào ung thư khác rơi vào trạng thái "ngủ". 

Theo tiến sĩ Sung Pil Hong thuộc nhóm nghiên cứu, các tế bào "ngủ" này có khả năng di chuyển khắp cơ thể. Tuy nhiên, làm thế nào và tại sao một số tế bào ung thư rơi vào trạng thái "ngủ", vì sao các tế bào "thức dậy" vẫn còn là một ẩn số.

"Cần phải tìm ra cách giữ nguyên các tế bào trong trạng thái ngủ mãi mãi, hoặc đánh thức rồi tiêu diệt", các chuyên gia cho biết. 

Đây mới chỉ là kết quả sơ bộ, các nhà nghiên cứu vẫn nhấn mạnh rằng liệu pháp hormone là một chiến lược rất hiệu quả chống lại ung thư vú. Để hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động, những nguy hiểm có thể xảy ra và cách giải quyết, các nhà khoa học cần nghiên cứu thêm.

Tiến sĩ Rachel Shaw, quản lý thông tin nghiên cứu tại tổ chức từ thiện Cancer Research, cũng giải thích rằng những phát hiện hiện tại sẽ mở ra lộ trình mới cho việc nghiên cứu chữa trị ung thư.

Theo vnexpress