Hơn 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh
Theo Bộ Y tế, chiến dịch tiêm bù, tiêm vét vắc xin sởi và vắc xin sởi - rubella sẽ được triển khai từ cuối tháng 8 này, tại các tỉnh thành được lựa chọn trên cơ sở đánh giá dịch tễ và nguy cơ dịch. Chiến dịch cần khoảng 100.000 liều vắc xin sởi và 1,58 triệu liều vắc xin phối hợp sởi - rubella.
|
|
Ghi nhận sáng 20.8 tại Trạm y tế P.3 (Q.11, TP.HCM), nhiều phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin ngừa sởi - rubella |
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay có hơn 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh được sử dụng tại các quốc gia. 85 - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh. Người được tiêm chủng không bị mắc bệnh và không bị di chứng, không bị tử vong do bệnh dịch gây ra.
Nhờ có vắc xin, hằng năm trên thế giới đã cứu sống được hàng triệu trẻ em không bị chết do bệnh truyền nhiễm. Do không bị mắc bệnh nên người được tiêm chủng, đặc biệt là trẻ em, sẽ khỏe mạnh, không bị các di chứng, dị tật, giúp trẻ phát triển thể chất và trí não bình thường.
Tiêm chủng bảo vệ cá nhân, cộng đồng
Theo Cục Y tế dự phòng, sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây truyền rất mạnh, đặc biệt ở lứa tuổi nhỏ. Bệnh sởi làm suy yếu sức đề kháng của cơ thể, thường kèm theo biến chứng như phế quản phế viêm, viêm tai, tiêu chảy gây nên bởi vi khuẩn gây bệnh có điều kiện. Những bệnh này khi mắc cùng bệnh sởi có diễn biến rất nặng. Tiêm vắc xin sởi là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng bệnh.
Một chuyên gia về vắc xin và tiêm chủng đặc biệt lưu ý: "Nếu trẻ không được tiêm chủng, tiêm không đầy đủ hoặc tiêm chủng muộn sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị mắc bệnh do không có miễn dịch bảo vệ. Quá trình thực hiện tiêm chủng thời gian qua cũng có một số nơi, một số thời điểm tỷ lệ tiêm chủng thấp và dịch bệnh nghiêm trọng đã xảy ra như dịch sởi, ho gà, và đã có các trẻ tử vong. Điều này càng cho thấy nếu trẻ em không được tiêm chủng thì nguy cơ dịch bệnh quay trở lại là rất lớn, nguy hiểm cho sức khỏe trẻ em và toàn thể cộng đồng".
Chuyên gia này nhấn mạnh: "Chính vì vậy, để phòng bệnh, trẻ cần phải được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch. Các bậc cha mẹ, vì sức khỏe của con em mình hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các vắc xin trong chương trình tiêm chủng và cả những vắc xin chưa có trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR). Cần nhìn nhận, tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân, mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng và toàn xã hội".
PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, khẳng định: Nghiên cứu vắc xin và tiêm chủng là thành quả quan trọng bậc nhất của nền y học. Nhờ có vắc xin mà thế giới đã thanh toán được bệnh đậu mùa từ những năm 1980. Tại VN, nhiều bệnh có vắc xin trong TCMR đã giảm số mắc và số tử vong hàng trăm tới hàng nghìn lần so với trước tiêm chủng.
"Vừa qua xuất hiện quan điểm anti vắc xin, không tiêm chủng. Đó là quan điểm hết sức sai lầm. Anti vắc xin tạo ra một cộng đồng, một nhóm người không được tiêm chủng không có miễn dịch và cộng đồng có miễn dịch thấp (dưới 70%), dịch sẽ bùng lên và lây lan cho cộng đồng và chính những người không được tiêm vắc xin sẽ không có miễn dịch và bị mắc bệnh truyền nhiễm, dẫn đến có thể phải nhập viện, có thể chuyển nặng và có thể tử vong", PGS Trần Đắc Phu lưu ý.
Tại VN, TCMR đã đem lại hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi về cơ bản cơ cấu bệnh tật ở trẻ em. Cụ thể, VN đã thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000, đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh từ năm 2005. Kể từ năm 1984, thời điểm bắt đầu triển khai TCMR, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm có vắc xin/100.000 dân đã giảm hàng trăm lần.
Theo Thanh niên