Thống kê của Viện nghiên cứu Methodist Houston (Mỹ) ước tính khoảng 20% ca viêm tai là người trưởng thành, 80% còn lại là trẻ em, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
|
Viêm hai tai có thể xuất hiện ở cả người lớn chứ không chỉ trẻ nhỏ
|
Thủ phạm gây viêm tai thường do vi khuẩn, virus gây ra. Chúng sinh sôi trong tai giữa, gây nhiễm trùng, tiết dịch và đau. Đôi khi, viêm tai xảy ra cùng lúc ở 2 tai.
Các triệu chứng của viêm một tai và viêm 2 tai không khác gì nhau, gồm đau tai, nhức đầu, khó ngủ, gặp vấn đề thính giác, rỉ dịch từ tai và một số triệu chứng khác. Trong một số trường hợp, người bị viêm tai có thể bị sốt kéo dài hơn 48 giờ.
Dù vậy, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu hơn nếu viêm 2 tai. Trong một số trường hợp, viêm 2 tai có thể nghiêm trọng hơn viêm một tai.
Các vấn đề thính giác xảy ra khi viêm 2 tai thường chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, viêm tai tái phát có thể dẫn đến tổn thương tai vĩnh viễn, làm thủng màng nhĩ hoặc làm chậm phát triển khả năng nói do ảnh hưởng thính giác ở trẻ.
Ngoài ra, nhiễm trùng tai tái phát còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng lây lan đến các bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là phần xương sọ nằm sau tai. Phần xương sọ này gọi là xương chũm. Nếu xương chũm bị ảnh hưởng thì có thể ảnh hưởng đến não và sức khỏe hệ tuần hoàn của cơ thể.
Các chuyên gia khuyến cáo cần cẩn trọng với viêm 2 tai, đặc biệt là trẻ nhỏ. Biểu hiện trẻ bất ổn khi viêm 2 tai là quấy khóc nhiều, sốt, ngoáy tai và không hứng thú khi bú mẹ. Nếu xuất hiện các biểu hiện này, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần phải đưa đến bác sĩ nhi khoa kiểm tra ngay dù nguyên nhân gây bệnh là gì.
Với người trưởng thành bị viêm 2 tai, họ cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu các triệu chứng xấu đi hoặc kéo dài quá 24 giờ. Ngoài ra, người bệnh cần chăm sóc y tế ngay lập tức nếu có máu hoặc mủ chảy ra từ tai, đặc biệt là sốt đi kèm, theo Medical News Today.
Theo Thanh niên