Tổn thương cơ bản là tình trạng viêm mạn tính lan tỏa hoặc rải rác ở tổ chức liên kết biểu hiện tại nhiều cơ quan đặc biệt là cơ vân, kèm theo tổn thương da.

Viêm da cơ – viêm đa cơ là một bệnh thường gặp. Bệnh có thể xảy ra mọi lứa tuổi, nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cao nhất hay gặp ở trẻ em và người trưởng thành. Ở người lớn, nữ mắc bệnh nhiều hơn nam.

Khi mắc bệnh, các cơ quan tổn thương thường gặp là phổi, tim mạch, khớp, tiêu hóa, có thể kết hợp với ung thư ở người cao tuổi.

Viêm đa cơ và viêm da cơ là bệnh lý đặc trưng bởi tổn thương da và cơ có tính chất tự miễn.

Viêm da cơ và viêm đa cơ là bệnh lý đặc trưng bởi tổn thương da và cơ có tính chất tự miễn.

Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ - viêm đa cơ

Viêm da cơ, viêm đa cơ có 3 thể:

Thể đơn thuần: chỉ có các biểu hiện ở da và cơ.

Thể phối hợp với các bệnh tự miễn: ngoài các biểu hiện ở da và cơ còn có thêm các biểu hiện của bệnh tự miễn.

Thể kết hợp với các khối u ác tính: có các triệu chứng của khối u ác tính (đôi khi rất kín phải thăm khám kỹ mới phát hiện được) kèm theo các biểu hiện ở da và cơ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm đa cơ và viêm da cơ, tuy nhiên, đáng kể là các nguyên nhân cơn bản sau: do nhiễm độc thuốc; do nhiễm trùng và do di truyền.

Giải pháp an toàn cho bệnh viêm da cơ - viêm đa cơ mùa COVID

Về thuốc, các thuốc gây độc và dẫn tới bệnh là: Chloroquine, Colchicine, Corticosteroid, Penicillamine, Lovastatin, Zidovudine, Ethanol, Heroin

Các tác nhân gây nhiễm trùng có thể thể kể đến vi khuẩn hay gặp nhất là tụ cầu vàng. Ngoài ra, có thể do các vi khuẩn khác như Clostridia, Rickettsia, Mycobacteria. Một số loại virus cũng có thể gây nên bệnh viêm da cơ/viêm đa cơ như: các virus cúm, quai bị, Rubella, virus viêm gan B và virus HIV.

Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng

  • Biểu hiện toàn thân: hầu hết các bệnh nhân viêm cơ tự miễn có biểu hiện mệt mỏi. Ngoài ra có thể có sốt và gầy sút cân.
  • Biểu hiện cơ: yếu cơ là biểu hiện dế nhận biết nhất. Bệnh nhân thường gặp khó khăn khi thực hiện các động tác vận động do yếu cơ. Mỏi cơ khi chạy, khi lên xuống cầu thang, đứng dậy, chải tóc và nâng vai. Bệnh nhân có dáng đi không vững, dễ ngã và khi ngã khó tự đứng dậy.

Yếu cơ gấp cổ làm bệnh nhân khó nhấc đầu lên khỏi gối. Yếu cơ do tổn thương hành tủy có thể dẫn đến khàn giọng hoặc khó nói, khó nuốt và dễ kèm theo trào ngược dịch từ thực quản lên mũi gây nên ho liên hồi sau khi nuốt. Đau cơ và cứng cơ thường có biểu hiện ở hơn 50% bệnh nhân nhưng ít khi được ghi nhận. Viêm cơ hay gặp và teo cơ thường là triệu chứng của quá trình bệnh lý kéo dài mà chưa được chẩn đoán và điều trị.

  • Biểu hiện da: Các vị trí hay gặp là quanh mi mắt, gò má, sống mũi và nếp gấp mũi môi, vùng chữ V ở ngực trước và cổ, lưng trên, mặt duỗi của khuỷu, gối, khớp bàn ngón tay, khớp ngón tay gần và quanh móng tay. Tổn thương đặc trưng ban đầu là các ban tím hoặc hồng ban (heliotrope) và tróc vảy trên da.
  • Bệnh nhân có thể có phù, đặc biệt ở những vị trí mô dưới da lỏng lẻo như mi mắt trên. Các hồng ban sẩn ở vị trí quanh khớp ngón tay gọi là sẩn Gottron. Có thể có biểu hiện nứt và đứt gãy da ở dầu các ngón tay (bàn tay của người thợ cơ khí). Giai đoạn muộn da trở nên sáng bóng, teo và giảm sắc tố. Các tổn thương khác ở tổ chức dưới da gặp ở cả bệnh nhân viêm đa cơ và viêm da cơ gồm có calci hóa, teo mỡ đa ổ, viêm mô mỡ, bạch biến.
  • Các biểu hiện khác: Viêm khớp thường xuất hiện sớm trong thời gian ngắn, ở mức độ nhẹ. Hiếm gặp biến dạng khớp. Biểu hiện trên hệ hô hấp gồm: bệnh nhân có khó thở gắng sức do các tổn thương ngoài phổi (yếu cơ hô hấp, suy tim) và tại phổi ( viêm phổi kẽ). Ít gặp viêm và tràn dịch màng phổi. Suy tim xung huyết do viêm cơ tim hoặc xơ hóa cơ tim ít gặp. Hiếm gặp viêm màng ngoài tim có triệu chứng. Bệnh lý cơ có thể là dấu hiệu báo trước của bệnh lý ác tính.

Triệu chứng cận lâm sàng

Khi bệnh nhân đi khám, làm các xét nghiệm sẽ có các biểu hiện như: kháng thể kháng Jo-1 dương tính; xét nghiệm và thăm dò cơ có các tổn thương điển hình. Nồng độ các enzyme được giải phóng từ tổ chức cơ tăng trong huyết thanh bao gồm các transaminases (AST và ALT), lactate dehydrogenase (LDH), creatine kinase (CK).

Có các biến đổi về cơ trên điện cơ bao gồm: thời gian ngắn, đơn vị vận động nhiều pha với các rung giật tự phát. Sinh thiết cơ và giải phẫu bệnh mô cơ có hình ảnh xâm nhập tế bào viêm quanh sợi cơ và mạch máu và hình ảnh thoái hóa, hoại tử, tái tạo tế bào cơ.

Khi chụp Xquang và CT phổi có thể có tổn thương phổi kẽ với các mức độ khác nhau. Thăm dò chức năng hô hấp có thể có hạn chế thông khí.

Chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ăn đồ mềm giúp giảm viêm đa cơ. Ảnh minh họa

Chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ăn đồ mềm giúp giảm viêm đa cơ. Ảnh minh họa

Cách hạn chế viêm da cơ – viêm đa cơ

Do là bệnh tự miễn nên chưa có phương pháp dự phòng. Nếu mắc, người bệnh cần chú ý:

  • Tránh ánh nắng mặt trời trực tiếp vào da.
  • Sử dụng kem chống nắng, tránh nắng bằng cách đeo kính, đội mũ rộng vành, mặc quần áo chống nắng.
  • Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ăn đồ mềm.
  • Tập thể dục và phục hồi chức năng là một phần quan trọng để rèn luyện sức đề kháng giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, ngăn ngừa co cứng cơ. Nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng, nên nghỉ ngơi lâu dài và tránh các hoạt động thể chất.

Theo suckhoedoisong.vn