Viêm quanh răng mạn tính là dạng bệnh viêm quanh răng thường gặp nhất với đặc điểm là một bệnh tiến triển chậm. Nếu có các yếu tố thuận lợi bao gồm: ở người bệnh đái tháo đường, hút thuốc, stress … làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể sẽ khiến bệnh tiến triển nhanh phá hủy mạnh vùng quanh răng.

1. Nguyên nhân của viêm quanh răng mạn tính

Có nhiều nguyên nhân gây tình trạng viêm quanh răng mạn tính trong đó thường gặp nhất ở người đã từng mắc bệnh viêm quanh răng có nguy cơ cao vì đã bị mất bám dính, hậu quả của viêm quanh răng làm khó vệ sinh răng miệng, khó loại bỏ mảng bám răng.

Các yếu tố tại chỗ như: mảng bám răng ở vị trí tiếp giáp giữa bề mặt răng và bề mặt lợi là căn nguyên khởi phát viêm quanh răng mạn tính. Người ta thấy mảng bám vi khuẩn là căn nguyên của viêm quanh răng mạng tính nên các yếu tố giúp hình thành mảng bám hoặc ngăn cản việc loại bỏ mảng bám đều là yếu tố thuận lợi phát triển bệnh.

Ngoài ra, các yếu tố thuận lợi khác như hàn răng mặt bên, mặt ngoài, mặt trong sai kỹ thuât hay cách sử dụng hàm giả tháo lắp không đúng, răng mọc chen chúc, bất thường giải phẫu răng (có rãnh, vùng lõm bất thường), hở kẽ chân răng... dẫn đến viêm quanh răng.

Nghiên cứu cho thấy, người hút thuốc làm bệnh tăng nặng và lan rộng, những người bị viêm quanh răng mạn tính hút thuốc lá bị mất bám dính và tiêu xương nhiều hơn, viêm chẽ răng nhiều hơn, túi lợi sâu hơn mặc dù ít mảng bám dưới lợi hơn và ít chảy máu lợi hơn.

Viêm lợi, chảy máu chân răng… có thể mất răng bởi viêm quanh răng mạn tính - Ảnh 1.

Chải răng chạm vào nướu nơi chân răng thì có thể sẽ chảy máu... là biểu hiện viêm quanh răng.

2. Diễn biến của viêm quanh răng mạn tính

Viêm quanh răng hay viêm tổ chức quanh răng là giai đoạn tiến triển của bệnh viêm nướu, có biểu hiện là tụt nướu, tiêu xương, răng lung lay, hôi miệng. Khi đó, phần nướu không bám chắc vào chân răng nữa, bệnh nhân bắt đầu cảm thấy có những cơn đau tức, khó chịu. Nhiều khi chải răng hoặc có vật cứng chạm vào nướu nơi chân răng thì có thể sẽ có dấu hiệu chảy máu.

Các mảng bám cao răng nhiều bất thường, đôi khi, khi ấn nhẹ tay hoặc xỉa răng bệnh nhân còn có thể nhìn thấy chất dịch màu vàng chảy ra, sau một thời gian chất dịch màu vàng đó chuyển sang màu trắng đục, nhầy nhầy. Gây nên cảm giác khó chịu cho khoang miệng và đặc biệt là miệng ngày càng có mùi nặng.

Người ta thường thấy mảng bám trên và dưới lợi có các triệu chứng của viêm lợi sưng nề, màu đỏ hay đỏ rực. Một số người bệnh thay đổi màu sắc lợi và sưng lợi không rõ, chỉ phát hiện được viêm khi thăm khám thấy chảy máu.

Một số trường hợp người bệnh khi được khám lợi khó phát hiện thấy dấu hiệu viêm lợi vì do quá trình viêm mạn tính kéo dài làm lợi xơ dày lên che tổ chức lợi viêm bên dưới.

Người bệnh thường có các biểu hiện như sau:

Khám thấy tiết nhiều dịch túi lợi, có túi quanh răng. Mất bám dính, lung lay răng là hậu quả của mất bám dính và tiêu xương ổ răng.

Người bệnh co lợi, các trường hợp có thể có nhạy cảm lợi, có bệnh nhân có cảm giác ngứa lợi, có thể nhạy cảm răng khi hở chân răng nhiều.

Một số người bệnh có thể sang chấn khớp cắn thứ phát do răng di chuyển. Có thể áp xe vùng quanh răng. Đau trong đợt viêm cấp. Người bệnh thường xuyên thấy răng rắt thức ăn

Tình trạng viêm kéo dài dẫn đến tiêu xương ổ răng, hình thành túi quanh răng, dịch rỉ viêm ứ đọng khiến tình trạng viêm kéo dài và nặng nề hơn. Đa phần các trường hợp viêm quanh răng không gây đau nên bệnh nhân không quan tâm và không để ý điều trị kịp thời, lâu ngày xương ổ răng tiêu dẫn đến lung lay răng và mất răng.

3.Cần làm gì khi bị viêm quanh răng?

Vì nguyên nhân của viêm quanh răng mạn tính là vi khuẩn ở mảng bám răng nên việc loại bỏ cao răng và mảng bám định kỳ được khuyến cáo là bắt buộc. Bệnh nhân cần khám răng định kỳ lấy cao răng 6 tháng/ lần để duy trì tình trạng răng miệng khỏe mạnh.

Viêm quanh răng là một bệnh phổ biến nhưng có thể phòng ngừa được. Nếu có biểu hiện ê buốt răng, sung lợi, chảy máu chân răng hoặc gặp một trong số những dấu hiệu bệnh trên hãy đến khám cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt để được tư vấn.

Để phòng ngừa hiệu quả cần tăng cường vệ sinh răng miệng bằng cách chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày. Nên dùng thêm chỉ nha khoa để làm sạch vùng kẽ răng, những nơi mà bàn chải không chạm tới. Khám răng miệng định kì 3- 6 tháng/ 1 lần để được phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý vùng răng miệng.

 Viêm quanh răng mạn tính là một bệnh viêm nhiễm ở tổ chức quanh răng, chia làm 2 thể. Ở thể bệnh khu trú là dưới 30% vùng răng trong miệng mất bám dính và tiêu xương ổ răng. Ở thể bệnh lan tỏa khi trên 30% vùng răng trong miệng mất bám dính và tiêu xương ổ răng.

Theo suckhoedoisong.vn