Viêm thanh quản do đâu?

Viêm dây thanh quản là tình trạng niêm mạc của thanh quản bị viêm do hoạt động quá mức, nhiễm trùng hay bị kích ứng kéo dài trong thời gian 3 tuần. Tùy thuộc vào đối tượng và nguyên nhân mắc phải, bệnh sẽ có những biểu hiện lâm sàng khác nhau.

Viêm thanh quản được phân loại là cấp tính nếu kéo dài dưới ba tuần và mạn tính nếu các triệu chứng kéo dài hơn ba tuần.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng viêm dây thanh quản, trong đó phổ biến nhất gồm có:

  • Lạm dụng và sử dụng thanh quản quá mức với các trường hợp nói nhiều như (giáo viên, MC, hướng dẫn viên du lịch...), cố gắng hét to, hát... 
  • Người bị nhiễm các vi khuẩn hoặc virus. 
  • Người uống quá nhiều hoặc thường xuyên uống rượu bia, hút thuốc lá. 
  • Người hay sử dụng các loại đồ uống, đồ giải khát lạnh. 
  • Người đang bị trào ngược acid dạ dày. 
  • Người bị nhiễm nấm do ảnh hưởng của việc sử dụng thuốc hít điều trị bệnh hen suyễn. 
  • Người bệnh có tiền sử bị viêm mũi xoang. 
  • Sự thay đổi của dây thanh quản khi tuổi cao.

Các trường hợp cấp tính thường xảy ra như một phần của nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus.

Biểu hiện của bệnh viêm thanh quản cấp

Thông thường bệnh viêm dây thanh quản cấp chỉ kéo dài tối đa 1 tuần, với nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm virus sau khi bị cảm lạnh, cảm cúm. Biểu hiện phổ biến của viêm thanh quản cấp là: 

  • Giọng nói trở nên khàn và yếu hơn, thậm chí là mất tiếng; 
  • Cổ họng xuất hiện cảm giác ngứa, rát; 
  • Họng bị đau và khô; 
  • Những cơn ho xuất hiện, khó chịu và không biến mất; 
  • Cần phải thường xuyên hắng giọng để dễ chịu hơn; 
  • Cổ họng bị vướng và khó nuốt thức ăn hơn.

Khi bị viêm thanh quản cấp người bệnh thường bị đau họng, nếu xuất hiện các biểu hiện nghiêm trọng hơn thì đó có thể là tình trạng viêm sưng mô ở vị trí đáy lưỡi hay còn gọi là viêm nắp thanh quản. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nắp thanh quản sẽ gây hẹp đường thở và nguy cơ tử vong cao.

Do đó, khi xuất hiện những triệu chứng sau cần đưa người bệnh đi khám ngay: 

  • Nuốt bị đau và khó; 
  • Xuất hiện cảm giác khó thở, cần phải nằm nghiêng về phía trước để có thể thở dễ hơn; 
  • Nước bọt tiết nhiều như chảy dãi; 
  • Khi thở sẽ phát ra tiếng khò khè hoặc tiếng rít; 
  • Sốt; 
  • Giọng nói cảm giác như bị bóp nghẹt…
Mức độ nguy hiểm của viêm thanh quản - Ảnh 2.
 

Viêm thanh quản là tình trạng phù nề thanh quản do nhiễm trùng.

Mức độ nguy hiểm của viêm thanh quản

Nếu viêm thanh quản co thắt: Với dạng này thì vùng hạ họng xuất hiện các tổ chức viêm và phù nề, kết hợp với co thắt tại thanh quản khiến người bệnh khó thở. Các biểu hiện khác như giọng khàn, ho ông ổng, các cơ hô hấp và liên sườn bị co kéo.

Nếu viêm thanh nhiệt: Do nắp thanh quản bị sưng nề nên nuốt sẽ bị đau hơn, khó khăn trong việc thở, đặc biệt là khi nằm ngửa, bệnh nhân thường sẽ tiết nhiều nước bọt hơn.

Nếu viêm thanh quản bạch hầu: Thanh quản bị loét có màng giả và phù nề do vi khuẩn Loeffler tấn công, người bệnh khi mắc dạng này sẽ có nguy cơ tử vong.

Đối với người lớn thì viêm thanh quản cấp thường sẽ không quá nguy hiểm và có thể phục hồi tốt. Viêm dây thanh quản do cúm, có thể ở dạng đơn thuần hay kết hợp với vi khuẩn khác diễn biến theo các thể trạng sau:

Thể xuất tiết: Người bệnh sốt kèm mệt mỏi, khám thấy có xuất huyết dưới thanh quản.

Thể xuất tiết của bệnh viêm thanh quản cấp ở người lớn có các giai đoạn như: Phù nề là giai đoạn kế tiếp của xuất tiết, phù nề thường gặp ở thanh nhiệt và phía sau sụn phễu. Người bệnh ít bị thay đổi giọng nói, nhưng nuốt đau và khó thở.

Khi tiến hành soi, sẽ thấy tại các mô thanh quản xuất hiện những vết loét nông đỏ, còn tại sụn phễu và sụn thanh nhiệt thì gặp tình trạng phù nề.

Ở thể viêm tấy: Biểu hiện của thể này là đau họng, khó nuốt, giọng bị khàn, thân nhiệt cao, mạch đập nhanh. Phía trước thanh quản sưng tấy nhiều, ấn vào đau. Khi khỏi sẽ để lại di chứng là sẹo hẹp vùng thanh quản.

Thể hoại tử nguy hiểm nhất do màng sụn đã bị viêm và hoại tử. Triệu chứng của thể này là nuốt đau, khó thở, sốt cao, mạch nhanh yếu, thở nông nhanh, trong nước tiểu có albumin, huyết áp thấp, tiên lượng rất xấu, khả năng tử vong cao do viêm trụy tim mạch.

Chẩn đoán và điều trị viêm thanh quản

Ngoài việc khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ nội soi thanh quản để khám, nếu phát hiện một tổn thương hay khối u nào đó đáng ngờ, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành sinh thiết để loại trừ nguy cơ bị ung thư vòm họng. 

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể cho bệnh nhân chụp X-quang hoặc test dị ứng da để loại bỏ các nguy cơ khác.

Điều trị viêm thanh quản

Nguyên tắc khi điều trị viêm thanh quản không có biểu hiện khó thở là hạn chế nói và tránh lạnh, đây là cách quan trọng nhất. Điều trị nội khoa sẽ được các bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh, kháng viêm, giảm ho, tiêu đờm… Điều trị tại chỗ bằng thuốc kháng viêm nhóm Corticoid, tinh dầu và men giúp tiêu viêm. 

Tăng cường bổ sung nâng cao sức khỏe với vitamin, chất bù điện giải. Nếu trường hợp viêm thanh quản kèm triệu chứng khó thở… thì sẽ được tiến hành hồi sức điều trị tích cực.

Để quá trình điều trị bệnh viêm thanh quản hiệu quả, người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Uống thật nhiều nước, hạn chế rượu bia, chất kích thích. Trong phòng nên dùng máy tạo độ ẩm. 

Cần súc miệng thật sạch với dung dịch sát khuẩn. Hạn chế ở trong môi trường có không khí khô, ô nhiễm, nhiều khói bụi. Không nên nói nhiều, nói liên tục hay nói to…

Theo suckhoedoisong.vn