Theo ThS.BS. Nguyễn Trần Thành, Phó Trưởng khoa Tiết niệu - Nam khoa, Bệnh viện 19-8, khi tuyến tiền liệt bị viêm, có thể gây ra các triệu chứng đau ở vùng chậu, đau khi đi tiểu, đau khi xuất tinh, khó tiểu, tiểu ít, tiểu nhiều về đêm.
Ngoài ra, cơ thể mệt mỏi, sốt; dịch tiết từ tuyến tiền liệt bị nhiễm có thể xuất hiện trong nước tiểu.
Tình trạng viêm tuyến tiền liệt cấp tính hoàn toàn có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm. Tuy nhiên, viêm tuyến tiền liệt mạn tính rất khó để điều trị dứt điểm.
|
|
ThS. BS. Nguyễn Trần Thành, Phó Trưởng khoa Tiết niệu - Nam khoa, Bệnh viện 19-8 |
Theo đó, người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị đúng cách, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy ra như viêm tinh hoàn, viêm tủy sống, viêm niêm mạc bàng quang, viêm dương vật... - ThS. BS. Nguyễn Trần Thành khuyến cáo.
1. Cách điều trị viêm tuyến tiền liệt
Việc điều trị viêm tuyến tiền liệt sẽ dựa theo nguyên nhân và triệu chứng của bệnh.
Các loại thuốc thường được chỉ định bao gồm:
1.1. Thuốc kháng sinh
Có thể lựa chọn các loại kháng sinh sau đây:
- Nhóm beta-lactam: Amoxicillin kết hợp với axit clavulanic, ceftriaxone...
- Nhóm thuốc quinolon: Levofloxacin, ciprofloxacin...
- Nhóm thuốc macrolid: Clarithromycin, azithromycin…
Lưu ý khi dùng:
- Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi bác sĩ kê đơn và cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Việc lạm dụng hoặc sử dụng thuốc kháng sinh không phù hợp có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh, gây ảnh hưởng xấu đến hiệu quả điều trị về sau.
- Một số tác dụng phụ có thể gặp phải khi dùng thuốc kháng sinh như phản ứng dị ứng, tiêu chảy…
- Nếu đang sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào khác, cần trao đổi với bác sĩ để tránh tương tác thuốc có thể xảy ra (làm giảm hiệu quả điều trị hoặc làm tăng tác dụng phụ).
1.2. Thuốc chẹn alpha (Alpha blockers)
Nhóm thuốc này có tác dụng giãn cơ vòng bàng quang và cơ trơn tuyến tiền liệt, từ đó giúp cho việc thoát nước tiểu dễ dàng hơn và cải thiện các triệu chứng do viêm tuyến tiền liệt gây ra.
Một số loại thuốc thuộc nhóm này như tamsulosin, alfuzosin, terazosin, doxazosin. Người bệnh sử dụng thuốc chẹn alpha có thể gặp phải các tác dụng phụ như tụt huyết áp, chóng mặt, tim đập nhanh, phù nề…
Lưu ý, trao đổi với bác sĩ về tương tác thuốc nếu đang sử dụng các loại thuốc như thuốc chẹn Beta, thuốc rối loạn cương dương, thuốc kháng histamin, naloxone, clonidine…
1.3. Thuốc giảm đau, chống viêm
Để giảm bớt triệu chứng đau, sốt trong viêm tuyến tiền liệt, bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID). Hai loại phổ biến nhất là ibuprofen hoặc acetaminophen.
Khi sử dụng các thuốc này, người bệnh cần hạn chế uống rượu một cách tối đa vì dễ xảy ra phản ứng, gây kích ứng ruột và làm tăng nguy cơ xuất huyết dạ dày. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra như đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, khó tiêu… Tuyệt đối không nên lạm dụng thuốc giảm đau hoặc sử dụng cùng lúc nhiều loại NSAID, tránh nguy cơ quá liều.
Cần tuân thủ tuyệt đối đơn chỉ định của bác sĩ để điều trị viêm tuyến tiền liệt hiệu quả.
2. Biện pháp cải thiện triệu chứng viêm tuyến tiền liệt không dùng thuốc
Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh viêm tuyến tiền liệt cần xây dựng lối sống sinh hoạt như:
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường các thực phẩm có lợi cho việc cải thiện triệu chứng viêm tuyến tiền liệt như cà chua, quả mọng, các loại cá béo giàu Omega-3 (cá thu, cá hồi…), các loại đậu, trái cây họ cam, quýt…
- Hạn chế các thực phẩm tẩm ướp nhiều gia vị, chứa chất kích thích, thực phẩm cay nóng, nhiều muối…
- Uống đủ nước để thúc đẩy quá trình bài tiết ở thận diễn ra thuận lợi.
- Đi tiểu đúng cách và không giữ tiểu quá lâu.
- Tránh quan hệ tình dục không an toàn.
- Điều chỉnh lối sống, tập thể dục đều đặn, tránh stress, tăng cường giấc ngủ và tránh hút thuốc và uống rượu bia quá nhiều.
Theo suckhoedoisong.vn