Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 25/1. Ảnh: AFP.
Trong khi Trung Quốc tìm cách ngăn chặn sự lây lan của chủng virus corona mới (nCoV) gây bệnh viêm phổi, nhiều tin đồn và thuyết âm mưu đã lan truyền trên mạng xã hội về nguồn gốc của loại virus này. Một số người cho rằng nCoV được tạo ra trong viện nghiên cứu virus tại Vũ Hán, thậm chí còn đưa ra giả thuyết rằng đây là hậu quả ngoài ý muốn của một chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhanh chóng bác bỏ giả thuyết nCoV là sản phẩm nhân tạo. "Dựa trên bộ gen và đặc tính của virus, không có dấu hiệu nào cho thấy đây là chủng virus do con người tạo ra", Richard Ebright, giáo sư sinh hóa tại Đại học Rutgers, Mỹ, cho biết.
Tim Trevan, chuyên gia an toàn sinh học tại bang Maryland, Mỹ, cũng giải thích rằng hầu hết quốc gia đã từ bỏ nghiên cứu vũ khí sinh học sau nhiều năm không thu được thành quả. "Phần lớn bệnh mới và khó xử lý đều xuất phát từ tự nhiên", ông nói thêm.
Daily Mail của Anh là một trong những tờ báo đầu tiên nêu nghi vấn về mối liên hệ giữa nCoV và Phòng thí nghiệm An toàn sinh học Quốc gia Vũ Hán (WNBL) thuộc Viện Virus học Vũ Hán, thành phố khởi phát dịch viêm phổi cấp. Theo Daily Mail, phòng thí nghiệm mở cửa năm 2014 này từng gây lo ngại về an toàn trong quá khứ.
Bài viết dẫn lại cảnh báo của Trevan được đăng trên tạp chí Nature hồi năm 2017 về những rủi ro có thể xảy ra tại phòng thí nghiệm Vũ Hán. Tuy nhiên, Trevan đính chính tại thời điểm đó ông chỉ lo ngại về cách quản lý rủi ro trong những hệ thống phức tạp, nơi không thể dự đoán tất cả khả năng, nói thêm rằng ông không theo dõi chặt chẽ các vấn đề tại phòng thí nghiệm Vũ Hán kể từ năm 2017.
Một bài báo khác của Washington Times đưa câu chuyện đi xa hơn khi đặt tiêu đề là "nCoV có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm liên kết với chương trình vũ khí sinh học của Trung Quốc", đồng thời đặt ra mối nghi ngờ với Viện Virus học Vũ Hán.
Bài báo trích dẫn nghiên cứu của Dany Shoham, cựu sĩ quan tình báo quân đội Israel. Tuy nhiên, Shoham nói với Washington Post rằng không muốn bình luận gì thêm. Trong bài viết cũng nêu rõ "không có bằng chứng hay dấu hiệu nào" cho thấy virus bị phát tán từ phòng thí nghiệm.
Mặc dù không có nhiều bằng chứng chứng minh, giả thuyết về vũ khí sinh học vẫn lan truyền rộng rãi từ mạng xã hội tới những trang web về thuyết âm mưu, thậm chí đăng lên cả những ấn phẩm tin tức quốc tế. Hai bài báo trên đã được hàng trăm tài khoản mạng xã hội khác nhau dẫn lại và có thể đã tiếp cận hàng triệu người đọc.
Milton Leitenberg, chuyên gia vũ khí hóa học tại Đại học Maryland, Mỹ, cho biết ông cùng các nhà phân tích khác khắp thế giới đã thảo luận về khả năng việc phát triển vũ khí tại phòng thí nghiệm Vũ Hán có thể đã dẫn tới lây lan nCoV, nhưng cuối cùng không ai tìm ra bằng chứng thuyết phục cho giả thuyết này.
"Tất nhiên, nếu họ đang nghiên cứu vũ khí sinh học thì việc đó sẽ bị che giấu", Leitenberg trả lời phỏng vấn qua điện thoại, nhưng nói thêm rằng chính phủ Trung Quốc không có khả năng sử dụng cơ sở như vậy để sản xuất, hoặc thậm chí nghiên cứu và phát triển vũ khí sinh học.
Phòng thí nghiệm Vũ Hán là cơ sở có mức an toàn sinh học cấp độ 4, đồng nghĩa với việc được bảo mật hoạt động ở mức độ cao và được phép xử lý các mầm bệnh nguy hiểm, bao gồm Ebola. Những người bước vào phòng thí nghiệm phải đi qua phòng đệm và mặc đồ bảo hộ. Rác thải, thậm chí cả không khí, đều được lọc kỹ càng và làm sạch trước khi đưa ra khỏi cơ sở.
Phòng thí nghiệm này khá nổi tiếng và tương đối cởi mở so với các cơ sở nghiên cứu khác của Trung Quốc. Nơi này có mối quan hệ chặt chẽ với Phòng thí nghiệm Quốc gia Galveston thuộc nhánh y khoa của Đại học Texas và từng được phát triển với sự hỗ trợ từ các kỹ sư Pháp. Giáo sư Ebright bổ sung rằng Viện Virus học Vũ Hán cũng là "cơ sở tầm cỡ thế giới".
Báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ năm ngoái cáo buộc Trung Quốc từng tiến hành các hoạt động sinh học có khả năng ứng dụng cho nhiều mục đích. Tuy nhiên, Elsa Kania, chuyên gia tại Trung Tâm An ninh Mỹ Mới, đánh giá chủng virus corona không phải loại vũ khí hữu ích.
"Những tác động của vũ khí sinh học thường rất được chú trọng trong quá trình phát triển. Tuy nhiên, từ khi dịch viêm phổi cấp bùng phát, nCoV lây lan nhanh chóng khắp Trung Quốc và trên toàn cầu", Kania đề cập tới khả năng kiểm soát virus.
Vipin Narang, giáo sư tại Viện Công nghệ Massachusetts, cũng bác bỏ giả thuyết về vũ khí sinh học bằng cách giải thích rằng theo lý thuyết, vũ khí sinh học "gây tỷ lệ tử vong cao, nhưng khả năng lây truyền thấp", nói thêm rằng việc lan truyền tin đồn thất thiệt như vậy về dịch bệnh là "cực kỳ vô trách nhiệm".
Sau khi dịch Ebola bùng phát năm 2014, nhiều "tin giả" cũng được lan truyền rằng Bộ Quốc phòng Mỹ đã sản xuất loại virus này. Những suy đoán xung quanh dịch viêm phổi cấp có thể bắt nguồn từ sự không chắc chắn về nguồn gốc nCoV.
Một số nhà khoa học cho rằng chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, nơi buôn bán nhiều loại động vật hoang dã, là điểm khởi phát. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc hôm 24/1 đăng một nghiên cứu trên tạp chí y khoa Lancet để bác bỏ giả thuyết này. Nhóm nghiên cứu Trung Quốc cho biết trong số 41 bệnh nhân đầu tiên nhập viện vì nhiễm nCoV, 13 người chưa từng tới chợ hải sản Hoa Nam.
Daniel Lucey, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Georgetown, đưa ra nhận định rằng nCoV có thể đã nhiễm cho người bên ngoài, sau đó lây tới chợ Hoa Nam và từ đó lan rộng.
Hồ Tích Tiến, tổng biên tập tờ Global Times thuộc People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 28/1 cho biết người dân nước này thậm chí còn lan truyền một giả thuyết rằng Mỹ chịu trách nhiệm cho dịch bệnh. Theo ông, logic của họ chỉ đơn giản bởi Trung Quốc lúc nào cũng là mục tiêu nhắm tới của phương Tây. "Nhưng hầu hết người dân Trung Quốc không tin vào điều đó", ông nói thêm.
Theo vnexpress