Đã có 4.000 trẻ ăm ở Brazil bị dị tật não bẩm sinh.Ảnh minh họa
WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về virus Zika
Ngày 1.2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về virus Zika. Tổng giám đốc WHO - bà Margaret Chan - cho rằng, virus Zika lây truyền qua muỗi đốt được cho là nguyên nhân gây ra hàng nghìn trường hợp dị tật bẩm sinh ở Brazil. Virus Zika được thông báo sẽ “lây lan rất nhanh” và WHO cảnh báo rằng loại virus này có thể ảnh hưởng tới 4 triệu người, chỉ riêng tại khu vực Châu Mỹ. Sự lây lan dịch Zika như vũ bão này là điều cực kì đáng lo lắng. Đặc biệt, hiện tại, loại virus "gây teo não" này chưa có thuốc chữa và vaccine phòng bệnh, phải mất 10 năm nữa mới có vaccine ngừa virus nguy hiểm trên.
Hầu hết các trường hợp nhiễm virus Zika có triệu chứng nhẹ hoặc không có biểu hiện gì. Do đó, rất nhiều trường hợp đã mắc bệnh nhưng không phát hiện được. Brazil là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi virus Zika với gần 4.000 ca, trong số này có 49 ca tử vong.
Nhiều nguy cơ xâm nhập Việt Nam
PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế - cho biết, tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan đã ghi nhận sự xuất hiện của loại virus này. Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm Zika nhưng virus này có thể đã xâm nhập nước ta. Virus Zika do muỗi Aedes lây truyền. Đây là loại muỗi gây dịch sốt xuất huyết đang phát triển mạnh ở Việt Nam với số người mắc lên đến vài chục ngàn. Vì vậy, nguy cơ xâm nhập và lan truyền bệnh vào Việt Nam là rất lớn.
“Hiện nay, sự giao lưu, du lịch, thương mại, lao động giữa các nước rất lớn nên nguy cơ virus Zika có thể xâm nhập và lan truyền tại nước ta không hề nhỏ", ông Phu cảnh báo.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cảnh báo, chỉ cần một trường hợp bệnh xuất hiện tại Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh lan rộng là điều có thể xảy ra. Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng. Khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm virus Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình. Các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết, do đó việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế. Thứ trưởng Long cũng khuyến cáo người dân, nhất là phụ nữ đang trong thai kỳ, hạn chế đến các vùng đang lưu hành dịch.
PGS-TS Trần Đắc Phu còn cho biết, khi nhiễm virus Zika, bệnh nhân thường có biểu hiện sốt, nổi mẩn và một số triệu chứng khác như: Đau cơ, nhức đầu, đau khớp, đau mắt. Phương thức lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes nhưng có một số bằng chứng nghi ngờ có thể lây truyền qua đường máu, từ mẹ sang con khi sinh và qua đường tình dục, dù rất hiếm. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 12 ngày.
PGS-TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho rằng, thông thường, muỗi Aedes chỉ có thể mang 1 trong 2 loại virus. Nếu như muỗi đã mang virus sốt xuất huyết thì khó có thể cùng lúc mang virus Zika. Tuy nhiên, không loại trừ virus biến chủng, tái tổ hợp cả 2 chủng virus này, khi đó sẽ rất nguy hiểm. “Khi nhiễm virus Zika, các biểu hiện lâm sàng của bệnh tương đối nhẹ, giống như nhiễm Rubella. Đáng ngại nhất là phụ nữ mang thai nhiễm bệnh, có thể tác động trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi”, PGS Kính lo ngại.
Hiện tại, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với WHO để theo dõi sát diễn biến và các nguy cơ của bệnh cũng như tăng cường các biện pháp giám sát, phòng chống dịch bệnh ở nước ta. Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu tổ chức ngay các hoạt động giám sát trường hợp nghi mắc bệnh do virus Zika, đặc biệt các trường hợp đi về từ các quốc gia hiện đang có dịch bệnh. Lồng ghép hoạt động giám sát virus Zika vào hoạt động giám sát trọng điểm sốt xuất huyết Dengue.
Theo Lao động online