Tầm quan trọng của vitamin A

Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo. Tuy cơ thể chỉ cần một lượng rất nhỏ, nhưng nếu thiếu sẽ gây ra rất nhiều tác hại. Vitamin A có tác dụng trên võng mạc, giúp cho mắt có thể thích nghi với sự thay đổi "sáng - tối" một cách nhanh chóng.

Vì vậy, thiếu hụt vitamin A đồng nghĩa với khả năng nhìn trong môi trường ánh sáng yếu sẽ bị giảm, biểu hiện sớm là hiện tượng "quáng gà" xuất hiện khi trời nhá nhem tối.

Bên cạnh chức năng về thị giác, vitamin A còn có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển và bảo vệ toàn vẹn các tế bào biểu mô ở mắt, da, đường hô hấp, tiêu hóa và tiết niệu. Khi thiếu vitamin A, sản xuất các niêm mạc giảm, tế bào bị khô và xuất hiện sừng hóa. Biểu hiện này thường thấy ở mắt, bắt đầu là khô kết mạc, sau đó tổn thương đến giác mạc và có thể gây loét, mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.

Vitamin A còn tham gia vào quá trình đáp ứng miễn dịch của cơ thể, làm tăng đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Thiếu vitamin A trẻ sẽ dễ bị mắc bệnh nhiễm khuẩn và khi mắc bệnh thì thời gian điều trị kéo dài và tăng nguy cơ tử vong. Vitamin A còn có vai trò trong sự tăng trưởng, giúp trẻ phát triển bình thường. Thiếu vitamin A làm trẻ chậm lớn.

Các cách bổ sung vitamin A

Vitamin A cần thiết nhưng cơ thể lại không thể tự tổng hợp được mà phải cung cấp từ bên ngoài vào qua thức ăn hoặc thuốc. Do đó, nguyên nhân chính gây thiếu hụt vitamin A là do khẩu phần ăn thiếu thực phẩm giàu vitamin A và caroten (tiền vitamin A).

Bên cạnh đó vitamin A muốn hấp thu vào cơ thể cần phải có chất béo. Vì vậy, chế độ ăn ít hoặc không có dầu mỡ sẽ làm giảm hấp thu vitamin A. Trẻ không được bú mẹ rất dễ thiếu vitamin A. Nhiễm ký sinh trùng (đặc biệt là giun đũa) và các bệnh nhiễm khuẩn (sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp) cũng có liên quan tới thiếu vitamin A

Một chế độ ăn uống lành mạnh và phong phú mỗi ngày sẽ cung cấp đủ lượng vitamin A và các chất cần thiết khác cho cơ thể khỏe mạnh hơn. Đặc biệt, đối với những người biếng ăn hoặc cơ thể hấp thu kém hay mắc một số bệnh về mắt, tuyến tụy, sởi, uốn ván... khiến nhu cầu vitamin A của cơ thể tăng cao hơn bình thường thì việc bổ sung vitamin A bằng việc uống các chế phẩm giàu vitamin A là rất cần thiết. Tuy nhiên, bổ sung vitamin A bằng thực phẩm vẫn là lựa chọn tốt nhất đối với cơ thể mỗi ngày.

leftcenterrightdel
 Để phòng ngừa thiếu vitamin A cần ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm giàu giàu vitamin A cho bữa ăn hàng ngày.

Thực phẩm giàu vitamin A

Cà rốt

Các vitamin A trong cà rốt có ở dạng beta-carotene, một chất chống oxy hóa lành mạnh. Ăn cà rốt mỗi ngày có thể cải thiện độ tinh nhanh cho mắt của bạn. Cà rốt cũng chứa một lượng lớn vitamin B, C, K, chất xơ và magiê. Nên ăn cà rốt nấu chín hoặc sống để có được lợi ích trọn vẹn của nó.

Ngoài ra, bạn cũng có thể trộn vài củ cà rốt nhỏ với món hỗn hợp làm từ gà, đậu, dầu, vừng, chanh, tỏi và sốt kem bơ cho bữa ăn nhẹ và lành mạnh vào buổi chiều.

Cà chua

Cà chua chứa ít calo, nhiều khoáng chất và cũng là nguồn dưỡng chất vitamin A dồi dào. Một quả cà chua trung bình sẽ cung cấp khoảng 20% lượng nhu cầu vitamin A trong ngày. Cà chua cũng là một nguồn vitamin C và lycopene tuyệt vời cho cơ thể.

Gan động vật

Gan động vật rất giàu vitamin A. Nó được biết đến là có tác dụng khắc phục các vấn đề liên quan tới da. Gan là một nguồn dưỡng chất đáng ngạc nhiên của nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu.

Khoai lang

Một củ khoai lang cung cấp một lượng lớn vitamin A cần thiết trong ngày. Khoai lang được nhiều người yêu thích vì hương vị ngon và hàm lượng dinh dưỡng cao. Khoai lang được cho là thực phẩm chứa vitamin A dồi dào nhất.

Nó cũng cung cấp đủ dinh dưỡng cho các tế bào da và giúp tránh xa nhiễm trùng. Đây được coi là một trong những thực phẩm tốt nhất cho làn da khỏe mạnh. Bạn chỉ cần cắt khoai lang và thêm một ít dầu ô liu, muối, hạt tiêu và ớt bột, sau đó nướng chúng trong 20 phút là bạn đã có thể thưởng thức những lát khoai lang thơm ngon, bổ dưỡng.

Bí đỏ

Bí đỏ chứa nhiều chất beta-carotene, là một chất chống oxy hóa lành mạnh rất tốt cho sức khỏe. Beta caroten là tiền chất của vitamin A, giúp cơ thể phòng tránh được tình trạng thiếu hụt vitamin A, ngăn chặn mù lòa, tốt cho hệ miễn dịch... Ngoài ra, bí đỏ cũng là một nguồn thực phẩm chứa vitamin C, magiê và chất xơ…

Rau lá xanh

Các loại rau lá xanh chứa nhiều chất dinh dưỡng như canxi, sắt, vitamin C và K. Rau lá xanh có thể giúp loại bỏ các rối loạn liên quan đến da. Ăn các loại rau lá xanh rất có lợi cho sức khỏe. Rau lá xanh chứa ít calo, giàu chất dinh dưỡng và rất dễ chế biến.

Các loại rau lá xanh như rau cải, rau bina, cải xoăn là nguồn cung cấp vitamin A tuyệt vời. Bạn nên ăn sống các loại rau để cơ thể có thể hấp thụ các chất dinh dưỡng quan trọng.

Lời khuyên thầy thuốc

Để phòng ngừa thiếu vitamin A cần ăn đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm, lựa chọn các thực phẩm giàu giàu vitamin A cho bữa ăn hàng ngày.

Cho trẻ bú sớm, nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn cùng với ăn bổ sung hợp lý.

Bữa ăn bổ sung của trẻ cần có các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng, thêm mỡ hoặc dầu để tăng cường hấp thu vitamin A, vitamin D.

Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun.

Bên cạnh chế độ ăn, bổ sung vitamin A liều cao định kỳ mỗi 6 tháng cho trẻ là giải pháp hiệu quả góp phần phòng chống thiếu vitamin A. Mỗi liều dự phòng có thể bảo vệ trẻ trong thời gian từ 4 – 6 tháng. Vì vậy, hãy cho trẻ 6 – 36 tháng tuổi đi uống vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/phường. Ngoài ra, bà mẹ trong vòng 1 tháng sau sinh cũng được bổ sung vitamin A liều cao tại bệnh viện.

Tuyệt đối không tự ý mua vitamin A để uống bổ sung, vì việc bổ sung vitamin A cho người lớn hay trẻ em quá nhiều có thể gây đau đầu dữ dội, mờ mắt, buồn nôn, chóng mặt, đau cơ và các vấn đề về phối hợp. Trong những trường hợp nghiêm trọng, hấp thụ quá nhiều vitamin A được tạo sẵn thậm chí có thể dẫn đến hôn mê và tử vong.

Theo suckhoedoisong.vn