"Vợ chồng hay cãi nhau sẽ bị tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch", kết quả này được chỉ ra trong một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ.
Vợ chồng hay cãi nhau sẽ bị tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch (Ảnh minh họa)
Cụ thể, theo nghiên cứu của Đại học Pittsburgh của Mỹ, khi cuộc sống hôn nhân không hòa thuận sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình, xã hội và đặc biệt hơn nữa chính là sức khỏe của những người trong cuộc.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra độ dày động mạch cổ của người tham gia nghiên cứu và ghi nhận rằng: Giữa các cặp vợ chồng thường xuyên tương tác tiêu cực thì động mạch cổ của họ sẽ dày hơn.
GS Thomas Carmack, Đại học Pittsburgh phân tích: "Áp lực hôn nhân ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của cả nam và nữ giới. Những cặp đôi thường xuyên xảy ra xung đột có nguy cơ tăng 8,5% các cơn đau tim, đột quỵ so với người bình thường".
Trong một nghiên cứu khác của các nhà khoa học tại Đại học Utah (Mỹ) cũng cho thấy kết quả tương tự. Theo đó, có 136 cặp vợ chồng tham gia trả lời bảng câu hỏi đo lường chất lượng hôn nhân. Đồng thời, nhóm tác giả sử dụng máy quét CT để kiểm tra hiện tượng vôi hóa trong động mạch vành của người tham gia.
Kết quả cho thấy những cặp đôi tương tác hòa thuận rất có lợi cho sức khỏe, nhưng chỉ khi 1 trong 2 người không hạnh phúc sẽ xuất hiện tình trạng vôi hóa động mạch vành, đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cũng như nguy cơ tử vong.
Chồng gắt gỏng với vợ thường xuất hiện dấu hiệu tim mạch như đau ngực, thở dốc, tim đập nhanh (Ảnh minh họa)
Trước đó, một nghiên cứu của Đại học Northwestern (Mỹ) cho rằng, hôn nhân không hạnh phúc có thể dẫn đến nỗi đau ở cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã theo dõi các cặp vợ chồng thông qua nội dung trò chuyện, biểu hiện gương mặt, ngôn ngữ hình thể, giọng nói trong khi họ tranh luận cùng nhau suốt 20 năm. Các nhà nghiên cứu cho rằng, hành vi này thực sự có mối quan hệ với sức khỏe.
Kết quả cho thấy có 80% nam giới gắt gỏng với vợ thường xuất hiện dấu hiệu tim mạch như đau ngực, thở dốc, tim đập nhanh.
Lý giải cho hiện tượng trên, TS Claudia Haase - Tác giả nghiên cứu cho biết, khi giận dữ sẽ khiến huyết áp, nhịp tim tăng lên. Về lâu về dài, điều này khiến trái tim yếu đi, thiếu sự khỏe mạnh, dễ gặp phải các vấn đề tim mạch.
Về phía chị em, theo nghiên cứu ở Đan Mạch những cuộc cãi vã trong gia đình nếu cứ lặp đi lặp lại sẽ làm tăng nguy cơ chết sớm đặc biệt ở phụ nữ.
Theo tác giả, các cuộc cãi vã thường là quan trọng hơn dưới con mắt của người phụ nữ và đã ảnh hưởng đến căng thẳng thần kinh. Tăng huyết áp được xem là yếu tố quan trọng gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Hôn nhân không hạnh phúc kéo dài có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng (Ảnh minh họa)
Trao đổi thêm về vấn đề này, Ths.Bs. Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến - Bệnh viện Phụ sản TW cho biết, chị em thường xuyên cãi nhau với chồng dễ tăng huyết áp liên tục làm tổn thương mạch máu và sau đó là cơ tim.
“Nguyên nhân có thể do sự thay đổi nồng độ trong một thời gian dài của một loại protein có vai trò làm liền vết thương. Thiếu hụt protein này kéo dài đã được chứng minh có mối tương quan với bệnh tim, cũng như ung thư, viêm khớp, đái tháo đường typ 2, và trầm cảm”, Bs Thành thông tin.
Ở chiều hướng ngược lại, BS Thành cho biết thêm, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hôn nhân hạnh phúc khiến phụ nữ khỏe mạnh hơn. Nguyên nhân không chỉ do không có căng thẳng trong mối quan hệ (mặc dù đó chắc chắn là một yếu tố).
"Phụ nữ trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc nhận được hỗ trợ về mặt tinh thần và xã hội, nhìn chung sự hỗ trợ này sẽ khuyến khích các hành vi có lợi cho sức khỏe", BS Thành nhấn mạnh.
Theo giadinhonline.vn